Một nghiên cứu mới đã tìm hiểu con đường phân nhánh của cây hợp hoan Albizia yenbaiensis H.B. Nguyen, T. Su & J. Huang sp. Nov. tại Việt Nam.
Một nghiên cứu mới do nhóm các nhà khoa học tại Bảo tàng Thiên nhiên (VAST) và đồng nghiệp tại Phòng thí nghiệm trọng điểm Sinh thái học rừng nhiệt đới (Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc), Viện Nghiên cứu Cổ sinh vật học Birbal Sahni Ấn Độ đã tìm hiểu con đường phân nhánh của cây hợp hoan Albizia yenbaiensis H.B. Nguyen, T. Su & J. Huang sp. Nov. tại Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu hóa thạch cây Albizia yenbaiensis H.B. Nguyen, T. Su & J. Huang sp. nov. thu được từ trầm tích thời kỳ Miocene muộn ở bồn trũng Yên Bái - Thế Miocene hay thế Trung Tân kéo dài từ khoảng 23,03 tới 5,33 triệu năm trước. Cây hợp hoan là một trong những giống lớn nhất của họ Đậu. Tuy là một giống cây quan trọng về mặt sinh thái, kinh tế và hóa học ở vùng nhiệt đới nhưng chưa bao giờ phát hiện được hóa thạch cây hợp hoan từ trầm tích Kỷ Đại Tân sinh, bắt đầu 66 triệu năm trước ngay sau kỷ Phấn trắng và kéo dài đến tận ngày nay. Cây hợp hoan Yên Bái đã tồn tại trong một khu rừng lá rộng nhiệt đới dọc theo thung lũng sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam vào Thế Miocene muộn. Chi này có thể bắt nguồn từ khu vực có chế độ khí hậu gió mùa Đông Á và đây là yếu tố góp phần làm tăng tính đa dạng loài kể từ thế Miocene. Các nhà nghiên cứu cho rằng, sự đa dạng hiện tại của chi này ở châu Mỹ và châu Phi có thể là do sự thích nghi của nó với khí hậu khô và ấm theo mùa.
Kết quả nghiên cứu được trình bày trong bài báo “Pod fossils of Albizia (Fabaceae: Caesalpinioideae) from the late Miocene of northern Vietnam and their phytogeographic history” trên tạp chí Review of Palaeobotany and Palynology.
Thanh Hương