Khu Công nghệ cao TPHCM và Đại học Cần Thơ vừa thực hiện đề tài “Khảo sát khả năng kháng vi khuẩn Propionibacterium acnes gây mụn trứng cá từ cao chiết vỏ trái chôm chôm và măng cụt”.

Một trong những nguyên nhân chính gây ra mụn trứng cá là do sự tăng sinh của vi khuẩn Propionibacterium acnes. Đây là chủng khuẩn kỵ khí thích phát triển trong môi trường oxy thấp. Chúng sử dụng bã nhờn như nguồn năng lượng. Khi da không được vệ sinh sạch sẽ, dầu nhờn tích tụ bịt kín chân lông sẽ là môi trường lý tưởng để vi khuẩn này sinh sôi. Nếu sinh sôi đến một mức độ nhất định sẽ gây viêm nhiễm dẫn đến hình thành mụn mủ hoặc nặng hơn là mụn bọc.

Trong những năm gần đây, vỏ trái chôm chôm và măng cụt được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu do có chứa nhiều hợp chất sinh học có khả năng kháng khuẩn và kháng oxy hóa. Báo cáo tại Hội nghị Công nghệ sinh học toàn quốc 2019 được tổ chức tại TPHCM mới đây, nhóm nghiên cứu cho biết, vỏ trái chôm chôm và măng cụt được trích ly bằng hệ thống Soxhlet với dung môi ethanol 96%, dịch trích được cô cạn bằng máy cô quay chân không và trữ ở nhiệt độ -20oC. Sau đó, nhóm tiến hành phân lập và định danh vi khuẩn P. acnes từ các mẫu bệnh phẩm và đánh giá hiệu quả kháng khuẩn của cao chiết.

Vỏ măng cụt và chôm chôm có thể chiết xuất lấy
Cao chiết từ vỏ măng cụt và chôm chôm có thể trị mụn trứng cá. Ảnh: Internet

Kết quả cho thấy, trong 1,5 kg vỏ khô cho hàm lượng α-mangostin là 21,81 g (chiếm 1,5% khối lượng) và chiếm 14,26% trong tổng khối lượng cao thô (152,96 g). Hàm lượng flavonoid tổng số có trong cao chiết ethanol vỏ trái chôm chôm là 1,25g/100g mẫu khô.

Ba dòng vi khuẩn phân lập (PaT1, PaT2 và Pa0B) có đặc điểm giống với vi khuẩn Propionibacterium sp. về hình thái học và thử nghiệm sinh hóa. Kết quả phân tích sinh học phân tử, dòng vi khuẩn PaT1 phân lập thuộc dòng vi khuẩn Propionibacterium acnes PA_12_1_L1 với độ tương đồng 94%.

Cao chiết vỏ trái măng cụt có nồng độ từ 20-40 µg/mL có khả năng kháng khuẩn trên giếng thạch, nồng độ ức chế và diệt khuẩn tối thiểu MIC và MBC lần lượt là 8 µg/mL và 31,25 µg/mL. Bên cạnh đó, cao chiết ethanol của vỏ trái chôm chôm ức chế vi khuẩn P. acnes ở nồng độ cao chiết 40.000 µg/mL có hiệu quả kháng khuẩn cao nhất. Giá trị MIC và MBC của cao chiết ethanol vỏ trái chôm chôm đối với dòng vi khuẩnP. acnes lần lượt là 200 µg/mL và ≥ 200 µg/mL.

Theo nhóm nghiên cứu, từ kết quả đề tài cho thấy, cao chiết ethanol của vỏ trái chôm chôm và măng cụt là một nguồn nguyên liệu tự nhiên, tiềm năng cho những nghiên cứu sâu hơn trong việc sản xuất dược liệu điều trị mụn trứng cá.