Khoảng 80% dân số sẽ bị mụn trứng cá tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời do vi khuẩn Propionibacterium acnes gây nên.

Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Science Inflammation vào năm 2016, các nhà khoa học tìm ra lý do tại sao vi khuẩn trên da chỉ gây viêm nhiễm và mụn trứng cá ở một số người mà không phải là những người khác.

Khám phá này có thể dẫn đến các phương pháp điều trị mụn trứng cá mới trong tương lai, theo Science Alert.

Đối tượng dễ bị mụn trứng cá nhất là trẻ vị thành niên đang ở độ tuổi dậy thì. Ảnh: Acne.
Đối tượng dễ bị mụn trứng cá nhất là trẻ vị thành niên đang ở độ tuổi dậy thì. Ảnh: Acne.

Trên thực tế, da của chúng ta luôn được bao phủ bởi vi khuẩn. Da là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại vi khuẩn xâm nhập.

Richard Gallo, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học California, San Diego (Mỹ) và các cộng sự khám phá ra rằng, vi khuẩn Propionibacterium acnes (P. acnes) sống trên da ở điều kiện bình thường thì vô hại, nhưng nó bắt đầu gây viêm và mụn trứng cá khi bị mắc kẹt trong môi trường bã nhờn (dầu trên da), chẳng hạn như nang lông. Do không phải nang lông của mọi người đều giống nhau nên không phải ai cũng bị mụn trứng cá. Một số người chỉ đơn giản là có nang lông kém thông thoáng hơn so với những người khác.

Hầu hết chúng ta đều có P. acnes trên khuôn mặt, nhưng nó không phải lúc nào cũng gây ra mụn trứng cá. Do đó, nhóm nghiên cứu thử nghiệm vi khuẩn này trong một loạt các điều kiện trên da chuột.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, khi bị mắc kẹt trong môi trường thiếu không khí trên tế bào da, P. acnes biến bã nhờn thành các axit béo, kích hoạt sự viêm nhiễm ở các tế bào da gần đó. Thông thường hiện tượng viêm nhiễm được dập tắt bằng các enzyme gọi là histone deacetylases. Nhưng axit béo do vi khuẩn P. acnes tạo ra làm bất hoạt các enzyme này, khiến hiện tượng viêm nhiễm không thể kiểm soát, gây ra mụn trứng cá đỏ và ngứa.

Holger Brüggemann, một chuyên gia về vi khuẩn sống trên da tại Đại học Aarhus, Đan Mạch, cho biết, kết quả nghiên cứu giải thích lý do tại sao trẻ vị thành niên lại dễ bị mụn trứng cá. Bởi vì các hormone giới tính của họ trong giai đoạn dậy thì đã khiến cơ thể sản sinh quá nhiều bã nhờn trên da, cung cấp thêm “thức ăn” cho vi khuẩn P. acnes.

Hiện nay, các bác sĩ điều trị tình trạng mụn trứng cá nghiêm trọng bằng một trong hai loại thuốc bao gồm: thuốc điều chỉnh hormone hoặc thuốc isoretinoin – được biết đến nhiều hơn với tên gọi Roaccutane. Tất cả những loại thuốc này thường đi kèm với tác dụng phụ, ít hay nhiều tùy thuộc vào từng loại thuốc.