Việt Nam có tiềm năng rất lớn về phát triển điện mặt trời mái nhà nhưng đang thiếu các chính sách khuyến khích lắp đặt, và đặc biệt là thiếu các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các thiết bị, hệ thống cho loại năng lượng này.
Tại “Hội thảo phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và Điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN)” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 9/7 tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Hoàng Quốc Vượng cho biết, những năm qua và giai đoạn sau năm 2020 - 2030, nhu cầu tiêu thụ năng lượng điện vẫn tăng cao, từ 7,5 - 8%/năm. Điều này gây khó khăn, thách thức cho hệ thống điện Việt Nam, đặc biệt khi chúng ta đã khai thác hết các nguồn năng lượng sơ cấp như thủy điện; nguồn nhiên liệu than, khí cũng đang gặp khó khăn, phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, nhiều dự án nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VII bị chậm tiến độ.
Hiện tổng công suất nguồn điện của Việt Nam đạt khoảng 55.000 MW. Các nguồn dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2020, bao gồm cả nguồn năng lượng tái tạo, có thể bổ sung khoảng 4.300 MW. Tuy nhiên theo quy hoạch điện VII điều chỉnh đến năm 2025, công suất nguồn điện của hệ thống phải đạt 90.000 MW. Như vậy, trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm Việt Nam cần bổ sung thêm 5.000 MW các loại.
“Trước thực tế đó, việc tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận, đặc biệt là gió và mặt trời để sản xuất điện là những giải pháp quan trọng hiện nay” - ông Vượng nhấn mạnh và cho biết, hiện nay Việt Nam đã thu hút được 4.500 MW nối lưới (điện mặt trời), khuyến khích người dân lắp đặt được khoảng 500 MW ĐMTMN (hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà) và hơn 400 MW điện gió đang vận hành. Đồng thời hiện cũng đã có khoảng gần 3.000 MW điện mặt trời và 2.000 MW điện gió đang thi công, dự kiến đưa vào vận hành cuối năm nay và năm 2021.
Tuy nhiên, theo ông Vượng, sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của năng lượng tái tạo thời gian qua cũng còn gặp một số hạn chế nhất định. Như hạ tầng lưới điện truyền tải đã không theo kịp tiến độ của các dự án, dẫn đến các dự án điện gió, điện mặt trời quy mô nối lưới ở một số địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận đã không giải toả hết 100% công suất ở một số thời điểm nhất định.
Điện mặt trời mái nhà cần được khuyến khích
Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam cho biết, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về phát triển ĐMTMN. Nếu tính từ Ninh Thuận trở vào thì hơn 90% số ngày trong năm có thể sử dụng năng lượng mặt trời để sản xuất điện. Thế nhưng do công tác tuyên truyền về phát triển ĐMTMN còn hạn chế; chi phí thiết bị, lắp đặt còn cao; chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các thiết bị, hệ thống ĐMTMN,… nên việc triển khai ĐMTMN còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, theo ông Lâm, Chính phủ cần khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố lắp đặt ĐMTMN. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ các gia đình một phần kinh phí đầu tư ban đầu, nhằm khuyến khích các hộ dân lắp đặt ĐMTMN.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam, bổ sung thêm ý kiến cho rằng, hiện Việt Nam chưa ban hành bộ tiêu chuẩn của các thiết bị chính (pin quang điện, bộ chuyển đổi năng lượng), cũng như công bố các thiết bị, nhà cung cấp đạt chất lượng liên quan đến lắp đặt hệ thống ĐMTMN, nên các nhà đầu tư, hộ gia đình gặp khó khăn trong việc lựa chọn thiết bị phù hợp. Vì vậy, Bộ Công Thương và Bộ KH&CN cần sớm ban hành tiêu chuẩn về ĐMTMN.
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng Xanh cho biết, hiện Công ty đang hướng đến việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN có công suất dưới 1 MW tại các nhà máy, khu nông nghiệp công nghệ cao theo quy định của Chính phủ (Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, ngày 6/4/2020). Tuy nhiên, theo ông Tiến, Chính phủ nên nới giới hạn công suất ĐMTMN lên trên 1 MW, vì nhiều doanh nghiệp hiện nay có mặt bằng mái lớn, nhu cầu sử dụng điện rất cao.