Theo bà Nguyễn Phi Vân - Sáng lập và phát triển Công ty World Franchise Assoiates Đông Nam Á - các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) phải có tư duy, định hướng rằng sản phẩm không chỉ bán ở thị trường Việt Nam.
Hội thảo “Thị trường nào cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo - khởi nghiệp
ở Việt Nam” do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TPHCM phối hợp với
Trường Đại học Bách khoa TPHCM tổ chức vừa diễn ra ngày 29/8.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Phi Vân cho rằng, xác định thị trường rất quan trọng và là bước đầu tiên trước khi cho ra sản phẩm. Các startup phải có tư duy, định hướng về thị trường thế giới. Sản phẩm không chỉ bán ở thị trường Việt Nam. Tìm hiểu và trả lời được câu hỏi về thị trường, startup mới nên xây dựng các kế hoạch kinh doanh tiếp theo. Đồng thời, cần tiếp cận và mở rộng trước ở những thị trường tiềm năng thì khả năng thành công sẽ cao hơn - bà Vân nói.
Để vươn qua thị trường quốc tế, theo bà Vân, trước tiên các startup cần xây dựng và cho thấy hiệu quả của mô hình kinh doanh trong nước. Từ mô hình này, startup có thể bán hoặc hợp tác với các thị trường, đối tác nước ngoài. Đối với những thị trường lớn, chiến lược, các startup có thể hợp tác kinh doanh như bỏ vốn, công nghệ. Với các thị trường còn lại có thể chuyển giao công nghệ, giấy phép sử dụng công nghệ, xây dựng mô hình kinh doanh rồi nhượng quyền,…
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ánh Phương - Giám đốc Chương trình EMBA - MCI, Trường Đại học Bách khoa TPHCM - cho rằng, trong quá trình tìm nguồn vốn đầu tư, các startup cần có lộ trình sử dụng nguồn vốn theo từng giai đoạn, như khi nào cần vay, khi nào cần tìm nhà đầu tư. Một kế hoạch tài chính bằng những con số cụ thể mới có thể thuyết phục và tìm được nhà đầu tư - theo bà Phương.
Về phần mình, ông Chu Bá Long - Phó Trưởng phòng
Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ, Sở KH&CN TPHCM - cho
biết, các hoạt động khởi nghiệp được thành phố hỗ trợ kinh phí thông qua
các vườn ươm. Vì vậy, các startup cần liên hệ với các vườn ươm để có
thể tiếp cận được các nguồn vốn đầu tư. Ý tưởng đột phá và có thị trường
là điều quan trọng nhất để các startup có thể tìm được nguồn vốn hỗ trợ
cho ý tưởng của mình - ông Long nhấn mạnh.
Tại hội thảo, Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (SIHUB) của Sở KH&CN TPHCM đã ký kết biên bản ghi nhớ các hoạt động hợp tác với Trường Đại học Bách khoa TPHCM trong việc hỗ trợ tổ chức các sự kiện, hoạt động đào tạo, truyền thông phát triển thị trường KH&CN, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Cũng tại sự kiện, Ban tổ chức đã giới thiệu về cuộc thi Swiss Innovation Việt Nam 2017. Đây
là cuộc thi do Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Tây Bắc Thụy Sĩ khởi
động năm 2017 tại Việt Nam và các nước châu Á khác. Cuộc thi nhằm tìm ra
ý tưởng, các dự án đang ở giai đoạn khởi nghiệp và các doanh nghiệp đã
thành lập, vận hành. Ứng viên tham gia cuộc thi được cung cấp các khóa
đào tạo, tư vấn, huấn luyện về tinh thần khởi nghiệp, kết nối cộng đồng
khởi nghiệp và sáng tạo. Ý tưởng kinh doanh có thể là sản phẩm, dịch vụ
hoặc những đổi mới trong quản lý và tổ chức.
Ngày
13/9/2017 sẽ diễn ra vòng chung kết cuộc thi. Tổng giải thưởng tiền mặt
trị giá 23.000USD, trong đó giải nhất trị giá 15.000 USD. Bên cạnh đó,
Ban tổ chức còn có giải thưởng đặc biệt dành cho dự án có tính quốc tế
trị giá 5.000 USD được lựa chọn từ các dự án xuất sắc toàn khu vực châu
Á. Ngoài ra, đại diện của hai đội xuất sắc nhất sẽ được mời tham dự Lễ
trao thưởng quốc tế tổ chức tại Thụy Sĩ. |
Kiều Anh