Hội thảo này nằm trong chuỗi chương trình giao lưu với cộng đồng khởi nghiệp vừa diễn ra vào chiều tối ngày 28/8 tại TPHCM. Sự kiện do Ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt vừa chủ trì thực hiện. Trước đó, Hội thảo với chủ đề tương tự đã được thực hiện tại Hà Nội.
Xu hướng khởi nghiệp là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm công nghệ sáng tạo đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội. Tại Việt Nam, đã có rất nhiều các startup, công ty trẻ được ra đời từ phong trào khởi nghiệp này.
Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy hằng năm có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời tại Việt Nam. Những doanh nghiệp khởi nghiệp này đã tạo ra một động lực, sức sống mới trong sự phát triển của nền kinh tế.
Các mô hình khởi nghiệp, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại TPHCM đang diễn ra rất phong phú dưới nhiều hình thức, thu hút được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là sự tham gia của các thanh niên, sinh viên tạo thành phong trào khởi nghiệp. Thông qua các Trung tâm Ươm tạo của TPHCM đã hỗ trợ và phát triển nhiều công ty khởi nghiệp đi vào hoạt động.
Nhiều nhóm sinh viên, doanh nghiệp đã trưởng thành và thương mại hóa các sản phẩm từ các hoạt động ươm tạo tại vườn ươm thuộc Khu công nghệ phần mềm - Đại học Quốc gia TPHCM, Vườn ươm Khu công nghệ cao TPHCM…
Có lẽ vì sự phát triển nhanh chóng của phong trào startup ở TPHCM mà có những bạn trẻ không ngần ngại đặt ra câu hỏi: “Có nên bỏ đại học để đi làm startup?” đối với PGS.TS Mai Thanh Phong - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM.
Chia sẻ quan điểm của mình, PGS.TS Mai Thanh Phong cho rằng, “có nhiều bạn trẻ cũng từng hỏi tôi như vậy. Nhiều bạn cũng dẫn chứng là nhiều người không cần học đại học nhưng khởi nghiệp rất thành công, thậm chí còn trở thành tỷ phú… Tôi cũng chỉ biết khuyên các bạn là hãy nhìn lại xem có bao nhiêu người thành công từ việc bỏ học ra ngoài làm startup. Việc học là cả đời, bạn có thể lựa chọn học ở trên giảng đường hoặc đi thẳng vào thực tế để tiếp nhận kiến thức".
Cũng theo PGS.TS Mai Thanh Phong, nếu bạn đánh giá dự án của mình là khả thi và thành công nhưng lại không thể vừa học vừa làm dự án thì lúc đó bạn phải lựa chọn. Bạn có thể bỏ học để tập trung toàn bộ thời gian cho dự án này và lúc đó bạn phải tự chịu trách nhiệm với bản thân mình. Con đường startup không phải là màu hồng mà nó rất khó khăn và gian nan.
Đồng quan điểm, ông Dương Anh Đức - Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông TPHCM - nhấn mạnh: Chúng ta cần phải rất tỉnh táo khi lựa chọn. Quan điểm của tôi không phải bạn thất bại một lần mà nản chí bởi làm startup có khi thất bại nhiều lần rồi mới đến được với thành công. Ở đây chúng ta cần phải loại bỏ tư duy làm startup phong trào bởi điều đó là rất nguy hiểm.
Phát triển công nghiệp sáng tạo là tất yếu
Theo ông Phạm Trần Anh - Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp và đối tác chiến lược Microsoft Việt Nam - việc phát triển công nghiệp sáng tạo đang là tất yếu cho sự đổi mới không ngừng của cuộc sống và xu hướng liên tục phát triển của thế giới hiện nay. Người Việt Nam thông minh và rất giỏi khoa học tự nhiên, điều này đã được chứng minh qua rất nhiều các kỳ thi lớn trên các đấu trường quốc tế uy tín.
Chính phủ và các ban ngành hiện nay đã và đang có rất nhiều các hoạt động hỗ trợ nhằm chuyển đổi môi trường, khuyến khích tạo dựng thành công công nghệ sáng tạo tại Việt Nam.
Các bạn trẻ có thể tận dụng cơ hội này, mạnh dạn hơn trong việc triển khai các dự án của mình. Không chỉ dừng trong việc chỉ áp dụng công nghệ cho các lĩnh vực hiện đại, hãy nhìn xa hơn, khái quát hơn vào các ngành truyền thống như nông nghiệp, lâm nghiệp, khai thác, y tế và chăm sóc sức khỏe… Đây là những thị trường ngách đang bỏ ngỏ và có rất nhiều cơ hội để có thể thành công.
Được biết, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã bước vào năm thứ 13, trở thành Giải thưởng lớn nhất, có uy tín nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam hiện nay. Tập đoàn VNPT là đơn vị đồng tổ chức, nhà tài trợ chính của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong suốt 12 năm qua.
TPHCM là địa phương luôn có số lượng thí sinh tham gia đông đảo Giải thưởng Nhân tài đất Việt. Nhiều thí sinh Nhân tài Đất Việt đến từ TPHCM đã giành giải cao như: Sản phẩm “Chip vi điều khiển 8-bit thương mại của Việt Nam SG8V1” của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) - Đại học Quốc gia TPHCM đã đạt Giải Nhất của Hệ thống các Sản phẩm Công nghệ thông tin thành công năm 2014; Năm 2015, sản phẩm Busmap - Xe buýt thành phố, của tác giả Lê Yên Thanh, Phạm Việt Khôi, Nguyễn Hải Đăng, Tô Hữu Quân, Phạm Minh Thái, Phạm Nguyễn Sơn Tùng, Trần Minh Triết đã giành giải Nhì lĩnh vực Ứng dụng trên thiết bị di động… |