Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng với gần 200 doanh nghiệp công nghệ thông tin tại buổi gặp gỡ cộng đồng CNTT – TT phía Nam do Hội tin học TPHCM tổ chức ngày 15/7.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam muốn phát triển, muốn hùng cường, muốn thành nước công nghiệp phát triển phải dựa vào công nghệ, đặc biệt là công nghệ chuyển đổi số. “Vì vậy trách nhiệm đang đặt trên vai các doanh nghiệp CNTT” – Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng, không gian của doanh nghiệp CNTT hiện nay rất rộng, đòi hỏi doanh nghiệp phải có cách nghĩ và cách làm khác.
“Chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là phải thay đổi tư duy. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển trước xu hướng chuyển đổi số, đưa công nghệ vào trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp ứng dụng và đến từng ngõ ngách của cuộc sống” – Bộ trưởng chia sẻ.
TPHCM, một nơi có tỉ trọng về công nghiệp CNTT dẫn đầu cả nước, nhưng đóng góp của các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, doanh nghiệp sản xuất mới chỉ chiếm 30% về doanh thu và 50% về số lượng doanh nghiệp, đóng góp còn lại là từ khối buôn bán, phân phối. Khối buôn bán, phân phối hiện đã tương đối tiệm cận giới hạn bão hoà. Vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cộng đồng CNTT TP HCM cần tập trung thêm vào lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và sản xuất - đây cũng là thị trường người Việt Nam đang thiếu rất nhiều sản phẩm và không có giới hạn. Các lĩnh vực như IoT trong nông nghiệp tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhà máy thông minh cho các khu công nghiệp đang rất cần các sản phẩm của cộng đồng doanh nghiệp CNTT TP HCM.
Trao đổi tại cuộc gặp, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TP.HCM đề xuất Bộ TT&TT cần có định hướng phát triển và chiến lược kết nối giữa ngành CNTT với các ngành công nghiệp, kinh tế chủ lực khác như dệt may, giày dép, cơ khí, điện - điện tử, nông nghiệp,... để nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của các ngành này.
Ông Lê Xuân Anh, Giám đốc Công ty 689Cloud kiến nghị cần đẩy mạnh triển khai, ứng dụng các công nghệ mới đáp ứng nhu cầu đổi mới sáng tạo. Cụ thể, tuyển chọn các sản phẩm, giải pháp mới trong các lĩnh vực mục tiêu mà Bộ TT&TT đang lựa chọn trong giai đoạn 2020 – 2022 như về AI, Big Data, Cloud, CyberSecurity... đưa vào ứng dụng trong các lĩnh vực trọng điểm: y tế, giáo dục, giao thông, tài chính, chính phủ điện tử. Ông Xuân Anh cũng đề xuất Bộ tài trợ kinh phí, hỗ trợ hành lang pháp lý cần thiết để triển khai,…
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn đề xuất Bộ TT&TT cần có các giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành và hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo; Xúc tiến và quảng bá Việt Nam về CNTT, công nghệ cao thông qua các hoạt động hội nghị, sự kiện, chương trình xúc tiến thương mại, sách trắng CNTT...
Trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong thời gian tới Bộ TT&TT sẽ tiến hành cấp chứng nhận cho một số doanh nghiệp để có thể dễ dàng hơn khi giới thiệu mình với các đối tác nước ngoài. Đối với những doanh nghiệp có giải pháp muốn cung cấp nhưng khó tiếp cận với cơ quan nhà nước, thì có thể đến "gõ cửa" Bộ TT&TT trước. Bộ TT&TT sẽ đóng vai trò kết nối và đề xuất các bộ ngành khác tiếp cận giải pháp của doanh nghiệp.
Bộ trưởng cũng khuyến khích các công ty và doanh nghiệp lớn kết hợp với các trường đại học để tham gia giảng dạy, tổ chức những buổi gặp gỡ và giao lưu với các sinh viên, đầu tư các phòng thí nghiệm cho các trường đại học để phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng CNTT;…
“Đối với các khó khăn khi phát triển sản phẩm mới như môi trường thử nghiệm sản phẩm thì Bộ TT&TT sẽ ban hành các chương trình thử nghiệm phối hợp với TP. HCM để tạo điều kiện thật thuận lợi cho các doanh nghiệp CNTT phát triển” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.