Theo xếp hạng mới đây của Cục An toàn thông tin, phần lớn các cơ quan, tổ chức nhà nước có mức độ an toàn thông tin từ 50 đến 65/100 điểm, thuộc nhóm đã quan tâm triển khai an toàn thông tin ở mức trung bình.
Chỉ số an toàn thông tin của Việt Nam trong những năm gần đây đang có xu hướng đi xuống. Số liệu doVietnam Information Security Association (VNISA) công bố vào tháng 11/2018.
Báo cáo Xếp hạng an ninh thông tin mạng của các cơ quan, tổ chức nhà nước năm 2018 vừa được Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại hội thảo Vietnam Security Summit 2019 ngày 17/4.
Đại diện công bố báo cáo, ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, cho biết kết quả xếp hạng trong báo cáo này được dựa trên hai yếu tố chính: (i) phản hồi của các cơ quan, tổ chức nhà nước thông qua phiếu khảo sát (chiếm 50/100 tổng điểm đánh giá) và (ii) các quan sát thực tế do Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cung cấp (50/100 điểm).
Không có cơ quan, tổ chức nhà nước nào trong tổng số 90 cơ quan được đánh giá đạt mức điểm trên 80 (nhóm A, đã quan tâm triển khai an toàn thông tin (ATTT) ở mức tốt, theo thang phân loại của báo cáo). Các cơ quan có điểm số tốt nhất cũng chỉ nằm trong nhóm đã quan tâm triển khai an toàn thông tin (ATTT) ở mức khá (nhóm B với mức điểm từ 65 đến 80/100). Nhóm này có 15 cơ quan, tổ chức, trong đó bao gồm các cơ quan trung ương: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.
Các cơ quan trung ương thuộc nhóm có mức điểm thấp nhất (nhóm D, mới bắt đầu quan tâm đến ATTT, mức điểm từ 30 đến 50) là Bộ Công thương, Bộ Nội vụ và Ủy ban dân tộc. Tuy nhiên chỉ có 12 cơ quan, tổ chức bị xếp vào nhóm này; phần lớn trong số đơn vị được đánh giá có mức điểm được xếp vào nhóm trung bình, từ 50 đến 65 điểm.
Một số dấu hiệu đáng cảnh báo mà Cục An toàn thông tin cũng đưa ra là chỉ có 25,3% các cơ quan trong xếp hạng có khả năng ghi nhận tấn công mạng. Mức chi cho ATTT trong tổng chi công nghệ thông tin còn thấp và thậm chí 56,2% cơ quan không chi kinh phí cho ATTT.
Xuất phát từ các kết quả này, đại diện công bố báo cáo khuyến nghị các cơ quan, tổ chức nhà nước kiện toàn bộ phận ATTT và phải dành ít nhất 10% tổng chi công nghệ thông tin cho ATTT. Ông Hoàng Minh Tiến cũng lưu ý các đơn vị khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ ATTT thì nên lựa chọn các nhà cung cấp uy tín, đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép tại Việt Nam (bao gồm 56 đơn vị, trong đó có An ninh mạng Viettel, BKAV, FPT InformationSystem, v.v…).
Hoàng Nam