Người dân đồng tình ủng hộ với phương án “ưu tiên cứu người” của chính phủ, cho dù có phải hy sinh kinh tế. Tỉ lệ này cao hơn nhiều so với toàn cầu - chỉ có khoảng 67% dân số đồng tình với chính phủ khi chính phủ các nước đặt ưu tiên tương tự nước ta.
Tỉ lệ đồng thuận lên tới gần 90% này là tương đương nhau ở tất cả các nhóm được khảo sát, cho dù thuộc nhóm nghèo hay giàu, trình độ giáo dục thấp đến cao, dân tộc thiểu số hay đa số. Tương tự, tỉ lệ người dân cho rằng các chính sách giãn cách xã hội, thời điểm giãn cách xã hội là phù hợp lên tới 88%. Phần lớn người được khảo sát cũng cho biết nhận được khoản hỗ trợ kịp thời với thủ tục nhận tương đối đơn giản. Thông tin này được Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI) công bố ngày 8/12 sau khi hoàn thành cuộc khảo sát “Cảm nhận và trải nghiệm của người dân về một số biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 của các cấp chính quyền”.
Trước nghiên cứu, đã có hàng trăm bài báo trên các báo quốc tế đặt câu hỏi cũng như cố lý giải tại sao Việt Nam lại là một điển hình chống dịch thành công. Tuy nhiên hầu hết các bài báo đó đều chỉ dựa trên các quan sát nhỏ, mà chưa có khảo sát quy mô, thu thập thông tin đầy đủ về nhận thức, hành vi thực hành, quan điểm, niềm tin của người dân với các chính sách của chính phủ trong đại dịch. “Với quy mô khảo sát trên 1300 mẫu ngẫu nhiên, đây là một nghiên cứu rất thiết thực, cung cấp bức tranh tương đối đầy đủ với bằng chứng cụ thể, lý giải xác đáng về việc người dân ủng hộ chính sách của chính phủ và cho thấy tại sao Việt Nam thành công trong chống dịch Covid thời gian qua” TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng MDRI nói. Nghiên cứu không chỉ đem lại thông tin cho các nhà làm chính sách ở Việt Nam mà còn hữu ích cho cả các nước khác tham khảo trong bối cảnh dịch bệnh đang vẫn có diễn biến rất phức tạp. Nghiên cứu cũng chỉ ra những ảnh hưởng của đại dịch tới lao động, việc làm của người dân.
Bảo Như