8 giải pháp lọt vào chung kết Cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp, sản phẩm GIS TPHCM 2018” diễn ra ngày 31/5 tại TPHCM đã đưa ra các giải pháp nhằm cải cách hành chính trong quản lý đất đai; điều khiển chiếu sáng thông minh; quản lý hệ thống thoát nước; cảnh báo tình trạng ngập lụt; quản lý hạ tầng giao thông đường bộ;…

Cuộc thi do Sở KH&CN TPHCM tổ chức được phát động từ tháng 10/2018 nhằm tìm kiếm các giải pháp, sản phẩm ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) và các công nghệ có liên quan để giải quyết các vấn đề thực tiễn và xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh, sáng tạo.

Sau khi được phát động, Cuộc thi đã nhận được 72 sản phẩm, giải pháp tham gia của nhiều đối tượng khác nhau, từ sinh viên các trường cao đẳng, đại học đến các nhà khoa học, doanh nghiệp, quản lý,… Các bài dự thi đã đưa ra các giải pháp nhằm cải cách hành chính trong quản lý đất đai; điều khiển chiếu sáng thông minh; quản lý hệ thống thoát nước; cảnh báo tình trạng ngập lụt; quản lý hạ tầng giao thông đường bộ;…

Ông Phạm Đức Thịnh, Trưởng phòng Tư vấn và Dịch vụ, Trung tâm Ứng dụng GIS TPHCM cho biết, tiêu chí chấm điểm của Cuộc thi gồm: Tính mới, tính sáng tạo 30 điểm; Tính khả thi 25 điểm; Tính hiệu quả 25 điểm; Tác động xã hội 20 điểm. Các sản phẩm, giải pháp đoạt giải của Cuộc thi sẽ được Sở KH&CN TPHCM xét chọn đầu tư hoàn thiện với mức đầu tư lên đến tối đa 2 tỷ đồng cho mỗi giải pháp, sản phẩm. Dự kiến việc xét chọn trao giải (Nhất, Nhì, Ba) sẽ được hoàn thành trong tháng 6.

8 giải pháp lọt vào vòng chung kết gồm: Lưu giữ Sài Gòn (Nhóm sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin TPHCM); Lopa - Ứng dụng tìm và kết nối bãi giữ xe (Nguyễn Trần Thảo Nguyên); Xây dựng hệ thống trực tuyến quản lý hệ thống thoát nước, hệ thống công trình chống ngập phục vụ công tác chống ngập và thích ứng với hạ tầng cơ sở của thành phố thông minh tại TPHCM (Sở Xây dựng); Ridi - Ứng dụng đi xe chung (Lê Quốc Tuấn – Công ty Shell Việt Nam); Ứng dụng GIS vào kinh doanh (Công ty Cổ phần cấp nước Trung An); Ứng dụng sản phẩm GIS để quản lý sự cố của mạng lưới cấp nước (Công ty Cổ phần cấp nước Bến Thành); Thiết kế và xây dựng hệ thống đo, giám sát, mô phỏng cảnh báo, và phòng chống ngập cho TP.HCM (Công ty Cổ phần công nghệ NamLong); Mapdas - Giải pháp thu thập và số hóa dữ liệu GIS di động (Công ty Mapdas).

Một số giải pháp, sản phẩm trong vòng Chung kết:

Dự án thiết kế và xây dựng hệ thống đo, giám sát, mô phỏng cảnh báo và phòng chống ngập cho TP.HCM của Công ty Cổ phân Công nghệ Nam Long, sử dụng các cảm biến gắn trên các cột chiếu sáng để ghi nhận tình trạng ngập nước và chuyển dữ liệu về trung tâm xử lý để giám sát, cảnh báo tình trạng ngập. Hệ thống có độ chính xác cao (sai số < 0,5cm và hoạt động ổn định); có thể quan trắc, giám sát và cảnh báo từ xa một cách tự động;… Giải pháp còn tích hợp ứng dụng Mobi App để người dân hoặc các kênh truyền thông nắm được thông tin và sử dụng cho các mục đích an toàn khi tham gia giao thông. Sản phẩm do các kỹ sư trong nước nghiên cứu và sản xuất nên có giá thành chỉ bằng 1/3 – 1/2 giải pháp tương tự ngoại nhập.

Sản phẩm dự thi của Nam Long có giá thành bằng 1/3 - 1/2 so với nhập ngoại
Sản phẩm dự thi của Nam Long có giá thành chỉ bằng 1/3 - 1/2 so với nhập ngoại

Ứng dụng sản phẩm GIS để quản lý sự cố của mạng lưới cấp nước (Công ty Cổ phần cấp nước Bến Thành): Giải pháp ứng dụng phần mềm Collector, Tổng đài Call Center, và Operation Dashboard, theo đó, khi khách hàng gọi điện thông báo sự cố, nhân viên trực tổng đài nhập thông tin lên bản đồ quản lý sự cố. Nhân viên sửa chữa chỉ cần mở ứng dụng sẽ biết được điểm nào đang gặp sự cố và đến để xử lý khi nhận được thông báo. Xử lý xong, nhân viên cập nhật ngay thông tin sự cố (người giám sát, trạng thái, nguyên nhân,…) và gửi về hệ thống mà không cần đến công ty báo cáo. Nhờ quy trình này mà đội ngũ lãnh đạo, quản lý, điều hành ở bất kỳ đâu cũng nắm bắt được nhanh chóng tình trạng những điểm xảy ra sự cố và thời gian khắc phục trong bao lâu. Năm 2018, tại Quận 1 và Quận 3 đã giảm được 20% lượng nước thất thoát so với các năm trước khi chưa áp dụng giải pháp. Ngoài ra, Công ty còn tiết kiệm được nhân lực, chi phí hành chính, rút ngắn thời gian xử lý sự cố, thông tin được cập nhật và quản lý chặt chẽ.

Giải pháp
Giải pháp của Công ty CP cấp nước Bến Thành giúp giảm 20% lượng nước thất thoát

Giải pháp thu thập và số hóa dữ liệu GIS di động của Công ty Mapdas cho phép thu thập dữ liệu số hóa và lưu trữ dữ liệu bản đồ một cách nhanh chóng, chính xác và khoa học cho nhiều lĩnh vực như thu thập thông tin hạ tầng kỹ thuật giao thông (biển báo, đèn tín hiệu, bảng quang báo,...), cây xanh, chiếu sáng,… Giải pháp đã thiết kế và chế tạo thiết bị thu thập dữ liệu di động giá rẻ có sai số tọa độ < 1m và phát triển thành công thuật toán định vị bằng cách kết hợp 3 loại cảm biến: GPS, IMU và wheel encoder để tăng độ chính xác của GPS. Ngoài ra, giải pháp cũng phát triển thành công thuật toán đo khoảng cách bằng stereo camera với sai số < 0.15m ở khoảng cách 20m và thuật toán nhận diện và phân loại tự động biển báo giao thông.

M
Giải pháp của Công ty Mapdasgiúp thu thập dữ liệu nhanh chóng, chính xác

“Lưu giữ Sài Gòn" của nhóm sinh viên đến từ Trường Đại học Công nghệ thông tin TPHCM được phát triển trên chính nền tảng dịch vụ HCMGIS, nhằm lưu giữ và giới thiệu đến với cộng đồng những kiến trúc đẹp, những công trình di tích của Sài Gòn. Ngoài sử dụng HCMGIS OpenData để tham khảo và download vị trí các di tích trên bản đồ, các dịch vụ HCMGIS GeoSurvey và HCMGIS StoryMaps cũng được nhóm sử dụng để tạo và quản lý dự án sáng tác kí họa và gắn kết các câu chuyện, hình ảnh với những di tích. Giải pháp này giúp người dân và nhất là giới trẻ, hiểu về những công trình, kiến trúc cổ mang linh hồn của thành phố. Đồng thời, cũng là kho tư liệu sinh động cho những ai muốn tìm hiểu về Sài Gòn xưa và nay.

Lưu giữ Sài Gòn được xem như là một kho tư liệu sống về Sài Gòn xưa và nay
"Lưu giữ Sài Gòn" là một kho tư liệu sinh động về Sài Gòn xưa và nay