Hơn 150 báo cáo của các nhà khoa học trong và ngoài nước đã trình bày những kết quả mới nhất về nghiên cứu, ứng dụng GIS trong phát triển đô thị, nông nghiệp thông minh, quản lý đất đai, thủy sản,… tại Hội thảo Ứng dụng GIS toàn quốc lần thứ 10 năm 2018 do Viện Địa lý Tài nguyên TPHCM tổ chức ngày 27/10 tại TPHCM.

Gần 80% các quyết định quản lý đô thị phải dựa vào dữ liệu địa không gian

PGS.TS. Võ Chí Mỹ, Phó Chủ tịch Hội Trắc địa – Bản đồ - Viễn thám Việt Nam, cho biết, trong những năm gần đây, công nghệ địa không gian hiện đại như hệ thống dẫn đường về tinh toàn cầu (GNSS), hệ thống thông tin địa lý (GIS), viễn thám về tinh (RS), quét laser mặt đất (TLS),… không ngừng được phát triển nhằm thu thập, lưu trữ, phân tích và hiển thị thông tin các thực thể và hiện tượng trên bề mặt trái đất. Để quy hoạch và quản lý đô thị thông minh, phải sử dụng hàng loạt các loại công nghệ hiện đại, trong đó không thể thiếu một yếu tố quan trọng là dữ liệu địa không gian. Dữ liệu địa không gian giúp lựa chọn tối ưu cho quy hoạch và đầu tư; cung cấp thông tin quản trị bất động sản; xử lý các sự cố, cấp cứu; hỗ trợ hoạt động du lịch; xác định các vấn đề môi trường;...

G
PGS.TS. Võ Chí Mỹ - Phó Chủ tịch Hội Trắc địa – bản đồ - viễn thám Việt Nam

“Gần 80% các quyết định trong quy hoạch và quản lý đô thị đều phải dựa vào phân tích dữ liệu và thông tin địa không gian. Cơ sở dữ liệu địa không gian càng đầy đủ, chi tiết, chính xác , công tác quản lý và quy hoạch đô thị thông minh càng hiệu quả. Vì vậy, cần nghiên cứu khai thác các loại hình công nghệ địa không gian hiện đại để phục vụ cho hoạt động này” – TS. Mỹ nhấn mạnh.

TS. Mỹ còn cho rằng, mỗi một quốc gia cần phải xây dựng một hạ tầng dữ liệu chung. Nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia,… đã có pháp lệnh, thể chế, quy định… trong việc khai thác, sử dụng, chia sẻ hạ tầng dữ liệu chung. Tuy nhiên, ở Việt Nam, quá trình xây dựng hạ tầng dữ liệu chung còn chậm. Hệ thống thông tin và dữ liệu của Việt Nam còn rời rạc, được nhiều tổ chức xây dựng với các chuẩn và định dạng khác nhau. Tình trạng cát cứ vẫn phổ biến gây khó khăn trong việc khai thác dữ liệu và thông tin cho quá trình quy hoạch và quản lý đô thị.

Nhiều nghiên cứu mới

Tại hội thảo, nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực GIS tại Việt Nam cũng được các nhà nghiên cứu trình bày.

Liên quan đến dự báo chất lượng không khí, GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TPHCM, cho biết, nhóm nghiên cứu của Viện đã thực hiện đề tài Xây dựng hệ thống dự báo không khí vùng TPHCM, với hướng tiếp cận mới là sử dụng các mô hình quang hóa (CMAQ) kết hợp với mô hình dự báo khí tượng (WRF) để dự báo chất lượng không khí theo thời gian thực ở TPHCM và một số vùng lân cận. Mô hình dự báo được xây dựng tổng hợp từ các số liệu khảo sát môi trường trong 15 khu công nghiệp nằm trên địa bàn thành phố, kết hợp các báo cáo giám sát môi trường thuộc quản lý của Ban quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp (HEPZA) và Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM.

g
GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TPHCM

Ngoài ra, nghiên cứu cũng phát triển một mô hình tính toán về khí thải phát ra từ các phương tiện giao thông, kết hợp giải thuật nhận dạng và đếm lượng xe trích xuất từ hình ảnh từ camera giao thông tại một số điểm. “Việc áp dụng dữ liệu camera trong hệ thống giám sát camera giao thông của thành phố là phương pháp mới phù hợp với mục tiêu xây dựng bộ dữ liệu giao thông chi tiết và có mức độ phân bố rộng hơn so với các phương pháp truyền thống ngoài thực địa, giúp tiết kiệm về mặt chi phí, nhân lực và thời gian.” Theo TS. Phùng, việc áp dụng kết quả dự báo chất lượng không khí toàn cầu vào việc tính toán dự báo địa phương là một yếu tố quan trọng đảm bảo tính đúng đắn trong bài toán mô phỏng chất lượng không khí địa phương khi chịu ảnh hưởng của các khu vực lân cận và xa hơn nữa là vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới.

Ông Phạm Quốc Phương - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng GIS TPHCM - thì cho biết, thời gian qua, Trung tâm đã phát triển và hoàn thiện các nền tảng HCMGIS, trong đó có HCMGIS Portal (cung cấp nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu không gian địa lý và bản đồ trong hệ thống HCMGIS; HCMGIS Maps (cung cấp nền tảng tìm kiếm, thống kê theo không gian và thuộc tính, hiển thị các lớp dữ liệu từ hệ thông HCMGIS Portal); Hệ thống quản lý bệnh truyền nhiễm; Ứng dụng GIS quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quảng bá du lịch, vùng sản xuất rau, lâm sản,…Đây là những nghiên cứu, ứng dụng của GIS góp phần quản lý đô thị một cách thông minh và hiệu quả hơn.

Nhiều nghiên cứu, ứng dụng GIS được giới thiệu tại Hội thảo
Nhiều nghiên cứu, ứng dụng GIS được giới thiệu tại Hội thảo

Ngoài ra, tại hội thảo, nhiều báo cáo được trình bày và thảo luận như GIS và viễn thám trong cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 ở ĐBSCL; Ứng dụng QRCode, Cloud Computing trong quản lý đất đai;quy hoạch đô thị tỉnh Bình Định; Tích hợp ảnh viễn thám Landsat 8 xây dựng bản đồ hiện trạng thủy sản vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng; Ứng dụng viễn thám xác định vùng tranh chấp mặn ngọt phục vụ quy hoạch sử dụng đất tỉnh Bạc Liêu;…