Sáng 26/4, tại Hà Nội, Đại sứ quán Nhật Bản phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã công bố Dự án giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid-19 đối với các nhóm dân số dễ bị tổn thương, trong đó có người cao tuổi.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, cho biết, Dự án được triển khai trong thời gian một năm, từ tháng 4 năm nay, tại 14 tỉnh/thành phố (Thái Nguyên, Điện Biên, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Nam, Đắk Lắk, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long và TPHCM) với bốn nội dung chính: Triển khai công tác phòng ngừa, thay đổi hành vi về bạo lực giới; Hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi; Hỗ trợ tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho sản phụ; Hỗ trợ lao động trẻ di cư khi trở về địa phương được tiếp cận các dịch vụ tư vấn nghề nghiệp…

Theo bà Naomi Kitahara, Covid-19 đã gây ra những tác động tiêu cực đến tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương - gồm phụ nữ, trẻ em gái, người cao tuổi, và thanh thiếu niên. “Đại dịch làm chao đảo hệ thống y tế, và trong hoàn cảnh đó, những bà mẹ đang mang thai có thể hủy bỏ hoặc trì hoãn những buổi thăm khám thai kỳ do lo sợ nguy cơ bị lây nhiễm; và điều này có thể cản trở việc phát hiện những nguy cơ, biến chứng nguy hiểm,” bà nói.

Bên cạnh đó, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một trong những vi phạm phổ biến nhất về quyền con người trên thế giới hiện nay. Vấn nạn này lại càng trở nên trầm trọng trong bối cảnh đại dịch. Ở Việt Nam, số lượng cuộc gọi yêu cầu trợ giúp đến trung tâm dịch vụ đã tăng lên 30% trong thời kỳ dịch bệnh.

Ngoài ra, hiện nay, người cao tuổi và người mắc bệnh lý nền có nguy cơ mắc bệnh nặng và tỷ lệ tử vong cao hơn do Covid-19. Người cao tuổi sống trong các cơ sở chăm sóc dài hạn như viện dưỡng lão hay trung tâm phục hồi chức năng cần được bảo vệ tuyệt đối nhằm tránh lây nhiễm cũng như tác động bất lợi từ dịch bệnh này. Người cao tuổi neo đơn có thể gặp phải trở ngại trong việc tiếp cận thông tin chính xác, thực phẩm, thuốc men cũng như nhu yếu phẩm khác trong thời gian cách ly; do đó, cần có những biện pháp tiếp cận cộng đồng để hỗ trợ họ.

Nhóm đối tượng cuối cùng là thanh thiếu niên cũng chịu tác động không nhỏ từ cuộc khủng hoảng Covid-19. Họ phải đương đầu với rất nhiều cú sốc. Đặc biệt, thanh niên Việt Nam di cư, làm việc và học tập tại nước ngoài phải đối mặt với sự thay đổi đột ngột trong điều kiện làm việc. Ở một số trường hợp, họ không còn lựa chọn nào khác và buộc phải về Việt Nam trong thời gian ngắn, và phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế - xã hội, tái hòa nhập vào gia đình, cộng đồng và thị trường lao động tại địa phương.

“Dịch bệnh đã gia tăng sự phức tạp trong những thách thức mà người dân Việt Nam vốn đã phải đối mặt, hằn sâu thêm những bất bình đẳng vốn có và chỉ ra những lỗ hổng trong hệ thống xã hội. UNFPA sẽ nỗ lực để nhóm dễ bị tổn thương sẽ nhận được gói hỗ trợ toàn diện, được chăm sóc liên tục và chuyển tiến kịp thời. Chúng ta cần đảm bảo rằng mỗi người dân là một phần quan trọng trong lộ trình phát triển của đất nước, và không một ai bị bỏ lại phía sau”, bà kết luận.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Takio Yamada, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, cho biết: “Đã một năm trôi qua kể từ khi đại dịch kéo đến, tất cả các quốc gia đều phải gánh chịu những áp lực nặng nề. Đại dịch đang cho chúng ta thấy vai trò của sự thấu hiểu lẫn nhau, chia sẻ nguồn lực, huy động sự tham gia của cộng đồng, xã hội và quốc gia trong việc đối phó với đại dịch chưa từng có tiền lệ này.” Chính vì vậy, chính phủ Nhật Bản sẽ tài trợ hơn 2,8 triệu USD để hỗ trợ cho dự án.

Nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người bệnh để ngăn chặn dịch Covid-19. Ảnh: nhandan

Ông Lê Bạch Dương, trợ lý trưởng đại diện UNFPA Việt Nam, cho biết, UNFPA kỳ vọng dự án sẽ đạt được một số mục tiêu sau:
  • Thành lập 3 trung tâm dịch vụ một cửa để bảo vệ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới; tập huấn cho 1.800 nhà cung cấp các gói dịch vụ thiết yếu toàn diện phòng chống bạo lực giới; thực hiện 10 chiến dịch sáng tạo, đổi mới về phòng chống bạo lực giới; 500 nam giới và nữ giới tại địa phương được tập huấn về phòng chống/ứng phó với bạo lực giới trong tình huống khẩn cấp.
  • Chăm sóc và hỗ trợ cho 1.000 người cao tuổi tại các tỉnh thí điểm; chăm sóc từ xa với những phương pháp phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh cho 58.000 người cao tuổi; thu hút 50 đơn vị tư nhân tham gia vào hai diễn đàn doanh nghiệp (tại Hà Nội và TPHCM) về chăm sóc người cao tuổi trong bối cảnh Covid-19.
  • 5.000 phụ nữ dân tộc thiểu số/lao động di cư được hưởng lợi từ ứng dụng điện thoại về sức khỏe, sinh sản và tình dục; trang bị cho 820 cơ sở cung cấp dịch vụ các hướng dẫn về mối liên hệ giữa sức khỏe, sinh sản, tình dục và Covid-19; cung cấp đồ bảo hộ và vật tư y tế cho 45 cơ sở y tế tuyến huyện; nâng cao nhận thức về nhu cầu ức khỏe, sinh sản và tình dục trong bối cảnh Covid-19 cho 160 cơ quan chính quyền cấp trung ương và cấp tỉnh.
  • Hỗ trợ tổ chức các khóa học về giáo dục kỹ năng sống/giáo dục giới tính toàn diện cho 1.000 lao động di cư trở về từ nước ngoài (do Covid-19); tư vấn về chăm sóc tâm lý, sức khỏe, sinh sản và tình dục; phòng chống bạo lực giới và các lĩnh vực khác cho 300 lao động trở về từ nước ngoài,….