Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang cân nhắc phê duyệt hai loại vaccine Covid-19 của Trung Quốc để đưa vào chương trình COVAX và cung cấp trên toàn cầu.

Trong đó, một loại là của công ty nhà nước Sinopharm, loại còn lại do công ty tư nhân Sinovac sản xuất.

Hai vaccine này chiếm phần lớn các mũi tiêm phòng Covid-19 đã thực hiện ở Trung Quốc. Ngoài ra, cả hai đã được hơn 45 quốc gia phê duyệt.

Nếu được WHO chấp thuận, hai vaccine của Trung Quốc có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu vaccine của COVAX, một sáng kiến nhằm đảm bảo vaccine Covid-19 được phân phối công bằng đến tất cả các quốc gia.

Cho đến nay, COVAX mới chỉ giao được khoảng 50 triệu trong số 2 tỷ liều mà họ đặt mục tiêu cung cấp trên toàn cầu vào năm 2021. Ấn Độ đáng nhẽ sẽ đóng góp một tỷ liều vaccine Covishield của mình, nhưng đã không thể đáp ứng do cuộc khủng hoảng Covid-19 đang diễn ra ở chính quốc gia này. Vaccine Pfizer cũng được cung cấp cho COVAX một cách hạn chế, trong khi Johnson & Johnson chưa bắt đầu cung cấp vaccine cho COVAX, còn vaccine Moderna thì vừa mới được WHO chấp thuận vào ngày 30/4.

Do đó, vaccine của Trung Quốc là rất cần thiết, Gagandeep Kang - nhà virus học tại Đại học Y khoa Christian, Vellore, Ấn Độ, và là thành viên của một nhóm kỹ thuật về tiêm chủng tư vấn cho WHO - nhận định. Nhóm đã họp vào ngày 29/4 để xem xét dữ liệu về hai vaccine của Trung Quốc và sẽ sớm đưa ra các khuyến nghị về việc sử dụng hai loại vaccine này.

Các vaccine virus bất hoạt, như hai vaccine của Trung Quốc, được chứng minh là kém hiệu quả hơn các vaccine Covid khác. Tuy nhiên, chúng vẫn vượt qua ngưỡng hiệu quả 50% của WHO để có thể được chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, giúp hạn chế tình trạng thiếu hụt vaccine trên toàn cầu, Murat Akova, nhà nghiên cứu lâm sàng các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hacettep, Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, lập luận. “Nếu không còn lựa chọn khác, tôi nghĩ hai loại vaccine này vẫn là các lựa chọn tốt.”

Sinh viên được tiêm chủng tại một trung tâm tiêm chủng hàng loạt tại Đại học Bắc Kinh ở Bắc Kinh.

Dữ liệu rải rác

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc là một trong những người đầu tiên phát triển vaccine Covid-19 vào đầu năm 2020, nhưng họ vẫn chưa công bố kết quả thử nghiệm đầy đủ.

Hilda Bastian, nhà khoa học độc lập ở Victoria, Úc, cho biết, cho đến nay, mới chỉ có thông tin rải rác từ các quốc gia khác nhau về vaccine Sinopharm được công bố, và hy vọng WHO sẽ công bố dữ liệu chi tiết hơn cùng với quyết định của mình.

Ông George Gao, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc tại Bắc Kinh, cho biết, vaccine của Trung Quốc đã phải tiến hành thử nghiệm ở quốc gia khác, vì tình hình lây nhiễm ở Trung Quốc không đủ nghiêm trọng để thử nghiệm.

Vào đầu tháng 12/2020, cả Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Bahrain đã phê duyệt vaccine Sinopharm. Sự chấp thuận dựa trên dữ liệu thử nghiệm giai đoạn cuối, bao gồm một nghiên cứu của UAE trên 31.000 người tham gia. Thử nghiệm này cho thấy vaccine Sinopharm có hiệu quả 86% trong việc ngăn ngừa Covid-19 sau 2 mũi tiêm, và không có trường hợp tử vong nào ở những người được chủng ngừa. Các tài liệu được công bố mới đây cũng cho thấy hiệu quả thử nghiệm kết hợp ở một số quốc gia là 78%.

Một số dữ liệu về CoronaVac của Sinovac từ các thử nghiệm lâm sàng và chiến dịch tiêm chủng quốc gia cũng đã xuất hiện, với các kết quả khác nhau. Các thử nghiệm ở Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy con số hiệu quả lần lượt là 50,7% và 83,5%. Theo các nhà nghiên cứu, con số hiệu quả thấp hơn ở Brazil có thể là do nước này đã tính cả các trường hợp Covid-19 nhẹ, và bởi vì ở đó lưu hành biến thể P.1 dễ lây truyền hơn và có thể né tránh miễn dịch. Kết quả từ một phân tích sau khi tiêm chủng hàng loạt ở Chile thì cho thấy hiệu quả CoronaVac ở mức 67%.

Đối với nhiều quốc gia, vaccine Trung Quốc là lựa chọn duy nhất. Ở những nước khác - chẳng hạn như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Chile, nơi hàng chục triệu người đã được chủng ngừa - vaccine Trung Quốc tuy không phải lựa chọn duy nhất nhưng cũng chiếm khoảng 80–90% số liều được tiêm. Và các nhà nghiên cứu ở các quốc gia này đang bắt đầu thấy bằng chứng về tác dụng của chúng trong việc kiểm soát đại dịch.

Theo Esper Kallas, nhà nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm tại Đại học São Paulo, Brazil, các báo cáo riêng lẻ đến nay cho thấy tỷ lệ nhiễm, phát bệnh nặng và tử vong ở những người được tiêm chủng thấp. Nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về vaccine của Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu muốn có thêm dữ liệu về mức độ bảo vệ đối với người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và các nhóm suy giảm miễn dịch. Họ cũng muốn biết hai vaccine này kích hoạt những loại phản ứng miễn dịch nào, khả năng bảo vệ kéo dài bao lâu và có chống lại được các biến thể không.

Nguồn: