Ngân hàng này đã được mua lại, có nghĩa là khách hàng không bị mất tiền gửi, nhưng sự kiện này vẫn khiến giới đầu tư lo ngại về việc đổ tiền vào các công ty công nghệ nhỏ trong tương lai.

Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đã bị đóng cửa sau khi thông báo cần huy động 2 tỷ USD để trang trải các khoản nợ do lãi suất tăng. Thông báo này dẫn đến tình trạng khách hàng là các công ty khởi nghiệp ồ ạt rút tiền, theo khuyến nghị của một số công ty đầu tư mạo hiểm lớn đầu tư vào các startup này.

SVB nổi tiếng vì tài trợ cho các startup công nghệ - nhiều trong số này hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học hoặc năng lượng xanh. Sự sụp đổ của SVB vào cuối ngày 10/3 đã khiến các startup khoa học và công nghệ rơi vào tình trạng hỗn loạn, đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi về nguồn đầu tư cho khởi nghiệp trong tương lai.

Tình hình sau vụ sập SVB là “cực kỳ đáng sợ”, Ethan Cohen-Cole, giám đốc điều hành của Capture6, công ty khởi nghiệp về công nghệ sạch ở Berkeley, California, đang phát triển các cách thu giữ carbon dioxide trực tiếp từ không khí, cho biết. “Suy nghĩ đầu tiên của tôi là 'đây là dấu chấm hết cho công ty'”.

Khách hàng xếp hàng để rút tiền từ SVB khi vụ sụp đổ được công bố.

Nhưng vào ngày 12/3, chính phủ Mỹ thông báo sẽ bảo đảm cho tiền gửi vào SVB, trấn an các khách hàng. Mặc dù cảm thấy nhẹ nhõm, Cohen-Cole cho rằng nếu không có các thay đổi của chính phủ về cách cho vay đối với các công ty nhỏ, vấn đề này rồi sẽ lặp lại. Kế hoạch giải cứu giúp các công ty khởi nghiệp là khách hàng của SVB giải quyết các vấn đề trước mắt về dòng tiền, như trả lương cho nhân viên, nhưng Cohen-Cole dự đoán các nhà đầu tư sẽ quay lưng với việc đầu tư vào các công ty nhỏ trong tương lai, và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các startup nhỏ đang nghiên cứu các giải pháp khí hậu.

Tại Vương quốc Anh, các sự kiện diễn ra hơi khác một chút. Vào ngày 10/3, Ngân hàng Trung ương Anh thông báo chi nhánh của SVB tại nước này sẽ được thanh lý, đồng nghĩa với những tổn thất nghiêm trọng đối với khách hàng của SVB. Nhưng vào ngày 13/3, các hoạt động của SVB ở Anh đã được giải cứu bởi ngân hàng HSBC. HSBC mua lại SVB với giá 1,2 USD, cho phép tất cả các hoạt động của SVB tiếp tục như bình thường.

Sebastian Weidt, giám đốc điều hành của Universal Quantum, công ty khởi nghiệp về điện toán lượng tử ở Brighton, đã gửi hàng triệu bảng Anh vào SVB UK, cho biết ông đã có một ngày cuối tuần rất căng thẳng. “Chúng tôi phải làm việc với giả định rằng đã mất hết tiền, và phải tìm cách tái cấp vốn cho Universal Quantum". Công ty này đã may mắn đã đạt thỏa thuận trị giá 72 triệu USD với Trung tâm Hàng không vũ trụ Đức ở Cologne, tuy nhiên sẽ không cần đến khoản tiền này sau khi HSBC mua lại SVB.

Các chuyên gia khuyến nghị, công ty khởi nghiệp nên mở tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau để tránh những vụ đổ vỡ tương tự trong tương lai,

Họ cho rằng sự sụp đổ của SVB chỉ là triệu chứng của những vấn đề lớn hơn trong bối cảnh tài chính hiện nay và nhận định việc huy động vốn đầu tư mạo hiểm đang trở nên khó khăn hơn nhiều.

Nguồn: