Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã chứng nhận Trung Quốc không còn bệnh sốt rét.

Đây là kết quả của bảy thập kỷ nỗ lực không ngừng. Những năm 1940, ước tính Trung Quốc có 30 triệu trường hợp mắc bệnh và 300.000 ca tử vong mỗi năm; đến năm 2017, cả hai con số này đều về 0. Đồng thời, Trung Quốc đã phát triển phương pháp giám sát mới, kỹ thuật mới, cũng như thuốc và công nghệ để ngăn muỗi Anopheles, loài truyền ký sinh trùng sốt rét và người, gây bệnh.

Một nhân viên phòng thí nghiệm cầm mẫu máu sẽ được kiểm tra ký sinh trùng sốt rét dưới kính hiển vi tại Viện Bệnh ký sinh trùng Vân Nam vào tháng 4/2019.

Các nỗ lực chống sốt rét của Trung Quốc bắt đầu từ những năm 1950 với các chương trình phân phối thuốc trị sốt rét cho những người có nguy cơ mắc bệnh, hạn chế việc sinh sản của muỗi và phun thuốc diệt côn trùng.

Sau đó, Trung Quốc đã khởi động một chương trình xác định các loại thuốc sốt rét mới vào cuối những năm 1960. Trong khuôn khổ chương trình này, nhà hóa dược Đồ U U (Tu Youyou) đã sàng lọc các công thức thuốc truyền thống của Trung Quốc để tìm các hợp chất có tác dụng chống lại bệnh sốt rét, cuối cùng cô lập được hợp chất artemisinin từ cây thanh hao hoa vàng (Artemisia annua). Artemisinin đã trở thành hợp chất quan trọng trong các loại thuốc hàng đầu hiện nay được sử dụng để chống lại bệnh sốt rét và Tu Youyou đã giành giải Nobel Y học năm 2015.

Số trường hợp mắc sốt rét sau đó liên tục giảm, chỉ còn khoảng 5.000 trường hợp mỗi năm vào cuối những năm 1990. Năm 2012, Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy loại trừ bệnh sốt rét với chiến lược “1-3-7”: các cơ sở y tế địa phương chỉ có 1 ngày để báo cáo chẩn đoán bệnh sốt rét, 3 ngày để điều tra ca bệnh và 7 ngày để thực hiện các biện pháp đối phó. Trong những năm gần đây, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển các phương pháp tiếp cận dựa trên di truyền học để theo dõi tình trạng kháng thuốc và phân biệt các trường hợp sốt rét bản địa với các ca bệnh "nhập khẩu" từ nước ngoài.

Sau khi duy trì không có trường hợp sốt rét bản địa nào trong ba năm liên tiếp, Trung Quốc đã nộp đơn xin cấp chứng nhận không còn bệnh sốt rét của WHO, và mới đây chứng nhận này đã được cấp sau một chuyến kiểm tra vào tháng 5 của Ủy ban Chứng nhận Loại trừ Sốt rét. Một yêu cầu để giành được chứng nhận này là quốc gia phải có một chương trình ngăn chặn bệnh sốt rét tái phát, đây là một thách thức vì Trung Quốc có chung biên giới với ba quốc gia có sốt rét lưu hành: Myanmar, Thái Lan và Lào.

Trung Quốc là quốc gia thứ 40 - và cho đến nay là quốc gia đông dân nhất - được chứng nhận không còn bệnh sốt rét. Ba quốc gia gần đây nhất được trao chứng nhận tương tự là El Salvador vào tháng 2/2021; Algeria và Argentina trong năm 2019.

Nguồn: