Cơ quan điều tra môi trường quốc tế (EIA) vừa công bố báo cáo cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục cho phép sử dụng vảy tê tê làm thuốc, dù đã hứa dẹp bỏ nạn buôn lậu loài này.

Bốn tháng trước, truyền thông Trung Quốc đưa tin vảy tê tê đã bị loại bỏ khỏi danh mục được sử dụng trong y học cổ truyền ở nước này. Nhưng nghiên cứu mới đây của EIA có tên “Smoke and Mirrors - China’s complicity in the global illegal pangolin trade” (tạm dịch: Hỏa mù - Trung Quốc đồng lõa với nạn buôn lậu tê tê toàn cầu), cho thấy tình trạng ngược lại.

Cuộc khảo sát về tê tê do EIA tiến hành năm 2020 xác minh, hiện nay, 221 công ty ở Trung Quốc được cấp phép bán các sản phẩm có chứa vảy tê tê, 56 công ty khá tích cực quảng cáo trực tuyến các sản phẩm y học có chứa vảy tê tê, 64 sản phẩm có liệt kê thành phần là vảy tê tê vẫn được quảng cáo trên trang web của nhà sản xuất, và 6 sản phẩn được bán công khai trên các trang thương mại điện tử như Taobao hoặc Tmall.

Kể từ khi được đưa vào Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) hồi tháng 10/2016, tất cả các loài tê tê đã được bảo vệ ở mức độ cao nhất theo luật quốc tế. Nhưng bất chấp điều đó, tê tê vẫn là loài bị buôn bán nhiều nhất thế giới để lấy thịt và vảy dùng để làm thuốc ở cả châu Á và châu Phi. Từ năm 2014 đến 2018, có khoảng 370.000 cá thể tê tê bị thu giữ trên phạm vi toàn cầu. Do số vụ điều tra được chỉ chiếm một phần nhỏ, có thể phỏng đoán, hàng triệu cá thể tê tê đã bị buôn lậu và giết chết. Ảnh: fhys.org

Một trong số những công ty đó là Bắc Kinh Đồng Nhân Đường, công ty chuyên sản xuất dược phẩm cổ truyền lớn nhất Trung Quốc, có chi nhánh khắp thế giới và trong danh sách cổ đông có cả các quỹ đầu tư từ Mỹ và châu Âu.

"Chính phủ Trung Quốc tuyên bố vảy tê tê làm thuốc là từ một kho dự trữ quốc gia nhưng kho này lại bí mật và hình như không bao giờ cạn," Chris Hamley, chuyên gia chiến dịch về tê tê thuộc EIA, nói. Ông cho biết thêm, phần lớn các lô hàng vảy tê tê bị bắt giữ trong các vụ buôn lậu ở khắp châu Á và châu Phi đều hướng đến Trung Quốc.

Đầu năm nay, EIA cảnh báo vảy tê tê dù bị loại khỏi dược điển 2020 – sách tham khảo về y học cổ truyền, nhưng vẫn hiện diện trong một số phương thuốc bí truyền. Cuộc điều tra mới của EIA cũng phát hiện: tuy vảy tê tê "sơ chế" bị loại khỏi danh mục các sản phẩm được Bảo hiểm nhà nước chi trả năm 2019, nhưng thực ra một phương thuốc bí truyền có thành phần vảy tê tê, cụ thể là Uy linh cốt thứ cao, vẫn được đưa thêm vào danh mục, và bảo hiểm vẫn đang tiếp tục trả tiền cho 4 phương thuốc bí truyền khác có thành phần là vảy tê tê hiện diện trong danh mục năm 2017.

"Trung Quốc cần lập tức sửa Luật bảo vệ động vật hoang dã để cấm hoàn toàn việc buôn bán hoặc sở hữu, kể cả để làm thuốc, mọi bộ phận và sản phẩm từ tê tê," Hamley khuyến nghị.

EIA cũng khuyến nghị các cổ đông liên quan xem xét lại việc đầu tư vào những công ty được nêu tên trong báo cáo và thoái vốn trong trường hợp những công ty này không chấm dứt sử dụng và bán tê tê và các loài nguy cấp.

Nguồn:

EIA, PanNature