Phillipines là nơi có nguồn dược liệu phong phú, rất dễ trồng và không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc.
Nhưng trong số cả ngàn giống cây được phát hiện trên đất nước này, mới chỉ có khoảng 10 loại là được công nhận giá trị y học và có chứng cứ khoa học rõ ràng, nhiều cây khác thường chỉ được sử dụng dựa trên kinh nghiệm dân gian.
Nhằm tối ưu hóa tiềm năng của nguồn lợi tự nhiên sẵn có này cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và quảng bá dược liệu của Phillipines ra thế giới, Viện Đào tạo Nông nghiệp (ATI) đã hợp tác với Viện Y tế Thay thế (RIAM) thực hiện dự án Philippine’s Farm and Herbal Tourism (hay Trang trại Dược liệu và Du lịch Philippine). Nội dung chủ yếu xoay quanh nhiệm vụ cải thiện hoạt động bảo tồn vùng cây trồng và sử dụng các loại cây dược liệu một cách bền vững, nhất là đối với các tổ chức nông thôn – những người trồng được liệu và là đối tượng hưởng lợi chính từ dự án.
Năm 2014, khi mới bắt đầu, Chương trình Đào tạo Quốc gia về Sản xuất và Chế biến Dược liệu thay thế đã triển khai hàng loạt các khoá đào tạo tại địa phương về việc liên kết trồng và cung cấp nguyên liệu, chủ yếu tại Malay, Aklan. Người nông dân, các hội đoàn ở nông thôn, nhóm trang trại gia đình, và cả những người thiểu số bản địa đều được RIAM và ATI đào tạo, trang bị các kỹ năng mới trong sản xuất, chế biến, quản lý và đóng gói dược liệu. Sản phẩm sau đó sẽ được trưng bày tại Trung tâm Du lịch dược liệu hay Công viên Dược liệu ở Malay, sau đó trở thành tư liệu cho các khóa đào tạo, và để quảng bá du lịch dược liệu. Khu công viên dược liệu sẽ đóng vai trò là điểm dừng chân cho du khách, nơi họ sẽ được hướng dẫn bảo quản và sử dụng.
Được Vụ Chính quyền Địa phương trong Chính phủ hỗ trợ, ATI sẽ kết hợp Chương trình Du lịch Thảo Dược với hoạt động của Trung tâm Dịch vụ Công nghệ Thông tin cho Nông dân (FITS) để đảm bảo đáp ứng những nhu cầu về thông tin nông nghiệp của người dân trong cộng đồng Malay và những khu vực lân cận.
Dự án trên không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn trên khía cạnh giáo dục. Những nỗ lực, cuối cùng cũng được nhìn nhận là tạo ra đóng góp quan trọng cho hoạt động nghiên cứu về các loại dược liệu đặc trưng của Philippines, bên cạnh củng cố sự hiệp lực giữa ATI và RIAM với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo khác.
Mặt khác, những phương thuốc bí truyền giá rẻ của người Phillipines cũng được xem là nằm trong khả năng dễ dàng tiếp cận của các hộ gia đình. Cùng với sự gia tăng của hoạt động trồng, sản xuất và sử dụng dược liệu, nhất là ở những vùng nông thôn, một giải pháp thay thế trong lĩnh vực dược phẩm là khuyến khích người dân trồng cây thuốc ngay trong sân vườn, bên cạnh việc phổ biến kiến thức sử dụng đúng đắn.
Phạm Nhật tổng hợp