Mới đây, Tổ chức các Đại học Anh (UUK) đề xuất chuyển đổi hình thức trả lương hưu từ trợ cấp xác định (số tiền hưởng của người tham gia dựa trên thời gian làm việc và mức lương) sang đóng góp xác định (mức chi trả dựa trên phần đóng góp bảo hiểm thực tế của người tham gia cộng với lợi nhuận đầu tư), sau đánh giá tài chính cho thấy Quỹ Hưu trí Đại học Anh (USS) đang bị thâm hụt 6,1 tỷ bảng.
Cách tính mới có thể khiến lương hưu của người lao động giảm tới 10.000 bảng mỗi năm. Đối với những người ít thâm niên, số tiền được nhận nhiều khả năng chỉ còn 50% tổng thu nhập khi đi làm.
Trước viễn cảnh u ám đó, ngày 22/2/2018, hàng chục nghìn người bao gồm giảng viên, nhân viên thư viện, nhà nghiên cứu cùng quản lý tại hơn 60 trường đại học Anh xuống đường biểu tình, bắt đầu 14 ngày đình công phản đối kế hoạch lương hưu mới.
Biểu tình phản đối chính sách hưu trí mới đối với giới đại học ở Đại học London, 22/2/2018. Ảnh: Reuters
Con số đáng ngờ
Là quỹ hưu trí tư nhất lớn nhất nước Anh, USS có hơn 400.000 thành viên từ hơn 60 đại học cùng 300 học viện.
UUK lập luận kinh tế khó khăn gây ra hàng loạt thách thức. Muốn duy trì quyền lợi như hiện tại, khoản đóng góp hằng năm phải tăng thêm một tỷ bảng. Điều đó có nghĩa một hoặc cả hai đối tượng, chủ lao động và người lao động, phải đóng nhiều tiền hơn cho quỹ hưu trí. Trường hợp không chịu thay đổi, các cơ sở đào tạo sẽ khó bảo đảm chi trả lương hưu, từ đó gây nguy hiểm cho việc giảng dạy cũng như chất lượng đào tạo.
Bất bình với cách giải thích của UUK, Nghiệp đoàn Đại học và Cao đẳng Anh (UCU) nhận định hình thức trả lương hưu mới do USS đưa ra là “thiếu thận trọng” đồng thời nghi ngờ độ chính xác của báo cáo tài chính bởi con số thâm hụt 6,1 tỷ bảng “quá bi quan”.
UCU khẳng định người lao động không nhận đủ 18% lương mà nhà tuyển dụng trả vào quỹ hưu trí. Trên thực tế, họ chỉ hưởng 13,25% số tiền, còn 4,75% dùng phục vụ các khoản nợ có sẵn.
Ngày 5/3, bà Sally Hunt, tổng thư ký UCU đã lên tiếng chỉ trích UUK “đang tìm cách áp đặt” người lao động: “Thật sai lầm nếu coi đây là cuộc đình công bình thường. Rất nhiều người tại các trường đại học có thể kiếm nhiều tiền ở các cơ sở tư nhân song lựa chọn làm việc vì lợi ích cộng đồng. Khoản lương hưu tốt giúp bù lại mức lương thấp và là công cụ mạnh để tuyển dụng và duy trì đội ngũ”.
Đặc biệt, giữa bối cảnh này, giám đốc điều hành của USS là Bill Galvin được tăng 17% lương, từ 484.000 bảng lên 566.000 bảng. Kinh phí hoạt động thường niên dành cho quỹ hưu trí đại học cũng không hề thấp khi lên tới 124 triệu bảng.
Nguy cơ sinh viên năm cuối không thể tốt nghiệp
Sau đợt đình công, UUK đã đồng ý sửa đổi kế hoạch, đề xuất giữ nguyên quyền lợi người lao động nhưng nâng khoản đóng bảo hiểm từ 18% lên 19,3% với chủ lao động và từ 8% lên 8,7% đối với người lao động. Nếu được thông qua, mức tăng này sẽ được áp dụng trong thời gian chuyển tiếp kéo dài 3 năm, từ ngày 1/4/2019 đến 31/3/2022.
Ngày 31/3, UCU tuyên bố sẽ tiến hành trưng cầu ý kiến về đề xuất trên bằng hình thức bỏ phiếu điện tử nhưng đề xuất có nguy cơ bị từ chối cao.
Thông qua dịch vụ hòa giải, UUK và UCU đồng ý triệu tập ủy ban chuyên gia độc lập với mục đích xem xét lại đánh giá tài chính, kế hoạch hưu trí của USS và đảm bảo quyền lợi người lao động. Dự kiến quá trình này sẽ hoàn tất vào cuối năm 2019. Ngoài ra, hai bên nhất trí tổ chức các buổi thảo luận mới về giải pháp chia sẻ rủi ro trong tương lai.
Bên cạnh đó, dù sẵn sàng thương lượng, UCU vẫn sẽ tổ chức đình công vào tháng 4 ở các trường Bangor, Brunel, Cardiff, Cranfield, Dundee, Leeds, Loughborough, Manchester, Oxford, Salford, Southampton, St Andrews và Ruskin.
Nếu không giải quyết được mâu thuẫn, những kỳ kiểm tra diễn ra vào mùa hè tại 65 đại học sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Trong kịch bản tồi tệ nhất, sinh viên năm cuối sẽ không thể tốt nghiệp do nhà trường không tổ chức thi. “Thời gian sắp hết rồi”, bà Sally cảnh báo. “Chúng tôi không hề muốn như vậy. Suốt 6 tháng, chúng tôi đã cố gắng giải quyết bằng cách nói chuyện. Cuộc đình công này chỉ dừng lại khi chúng tôi được lắng nghe”.