Sự lo lắng về đại dịch Covid-19 gia tăng có thể khiến mọi người dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin sai lệch. Trong hai tuần qua, một số người dân đã phá hủy và đốt cháy ít nhất 20 cột phát sóng điện thoại trên khắp Vương quốc Anh do tin rằng Covid-19 lây lan qua mạng 5G.

Lời kích động đốt trạm 5G trên mạng xã hội. Ảnh: AP.
Lời kích động đốt trạm 5G trên mạng xã hội. Ảnh: AP.

Hành vi đốt phá này bắt nguồn từ tin giả và thuyết âm mưu được phát tán trên mạng xã hội bởi các nhóm cực đoan như New Agers và QAnon nhằm gây hoảng loạn và kích động mọi người.

Thông tin sai lệch lan truyền nhanh chóng khi nó được chia sẻ bởi những người nổi tiếng có hàng triệu người theo dõi như diễn viên Woody Mitchelson, ca sĩ Keri Hilson.

Thuyết âm mưu bắt nguồn từ mối liên hệ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), nơi triển khai sớm mạng 5G, ghi nhận những ca dương tính với Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Sau đó virus lây lan sang các thành phố khác cũng sử dụng mạng 5G.

Rõ ràng, tin giả này hoàn toàn thiếu cơ sở khi rất nhiều thành phố chưa phủ sóng 5G nhưng vẫn có người nhiễm bệnh.

Các nhà mạng Three, EE, O2, Vodafone của Anh đưa ra thông báo chung, khuyến cáo người dùng không nên nghe theo tin đồn thất thiệt và phá hoại trạm phát sóng di động.