Trong một thỏa thuận ngân sách mới giữa Nhà Trắng và những người đứng đầu Quốc hội, vào năm tới, các cơ quan nghiên cứu của Mỹ có thể nhận được mức ngân sách tăng theo lộ trình từ 4% đến 5% dựa trên đề xuất năm ngoái của Đảng Dân chủ.
Thỏa thuận vào ngày 22/7/2019 vừa qua, bắt buộc phải được cả hai viện của Quốc hội thông qua, sẽ điều chỉnh chi ngân sách trong năm tài khóa 2020 và 2021. Theo luật hiện hành nhằm giảm thâm hụt liên bang, Quốc hội sẽ phải cắt giảm 125 tỷ USD trong tổng mức chi tiêu theo đề xuất trong năm 2020, tương đương với 10% ngân sách. Tuy nhiên, thỏa thuận mới sẽ bác bỏ điều kiện này – giúp tránh khỏi trường hợp bắt buộc phải cắt giảm đồng loạt (hay còn gọi là bảo lưu ngân sách), điều sẽ được áp dụng nếu không có cắt giảm ngân sách nào.
“Một khung ngân sách cho hai năm tới giúp chúng ta tránh khỏi mối đe dọa cắt giảm kinh phí trong tương lai là một chiến thắng cho nền khoa học Mỹ”, Liên minh Khoa học, một nhóm vận động hành lang có trụ sở tại Washington D.C – đại diện cho hàng chục trường đại học nghiên cứu ở Mỹ đã viết trong một tuyên bố. “Chúng tôi kêu gọi Quốc hội phê duyệt một khoản kinh phí cần thiết để thể hiện cam kết của Mỹ với nỗ lực này”.
Mức đầu tư mới cho các cơ quan dân sự, vốn tài trợ cho tất cả nghiên cứu phi quân sự, chỉ thấp hơn một chút so với số tiền mà Đảng Dân chủ đã sử dụng vào đầu năm nay để phân bổ tiền cho mỗi bản dự thảo ngân sách của Hạ viện (toàn bộ Hạ viện đã thông qua 9/12 bản dự thảo này). Tuy nhiên, không có dự thảo nào trong số đó được Thượng viện đề xuất, những người đứng đầu Đảng Cộng hòa quyết định đợi đến khi có một thỏa thuận ngân sách tổng thể được xác định rồi mới soạn các dự thảo riêng.
Giờ đây điều này đã trở thành hiện thực. Bản thỏa thuận mới này đã thêm trọng lượng cho những đề xuất chi ngân sách của Hạ viện và buộc Thượng viện phải nghe theo. Và đó là tin tốt lành cho hầu hết các cơ quan nghiên cứu liên bang.
Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Quốc hội thực hiện những biện pháp cắt giảm mạnh vào năm 2020 đối với nhiều trong số các cơ quan nghiên cứu liên bang. Nhưng các thành viên trong Ủy ban phân bổ ngân sách của Hạ viện đã đồng lòng đảo ngược xu hướng này trong các dự thảo chi tiêu ngân sách của họ. Chẳng hạn, họ đã phê duyệt khoản tăng 2 tỷ USD cho Viện Y tế quốc gia (NIH) thay vì cắt giảm 5 tỷ USD, và tăng thêm 565 triệu USD thay vì cắt giảm 1 tỷ USD cho Quỹ Khoa học quốc gia (NSF). Tương tự, các chương trình khoa học ở Bộ Năng lượng (DOE) và Viện Tiêu chuẩn quốc gia (NIST) đã lần lượt tăng 4,3% và 5,6%, thay vì cắt giảm ở mức hai con số theo yêu cầu về ngân sách của Trump.
Thỏa thuận mới cho phép các nhà lập pháp tăng chi tiêu quốc phòng thêm 22 tỷ USD, lên mức 738 tỷ USD, và chi tiêu dân sự thêm 27 tỷ USD, đạt mức 632 tỷ USD (Hạ viện đã tăng mức trần chi tiêu lên 34 tỷ USD cho các ủy ban ngân sách). Việc đưa ra mức tăng tương đương giữa ngân sách dành cho dân sự và quân sự để làm vừa lòng cả những thành viên cấp tiến của Đảng Dân chủ, những người muốn tăng tài trợ cho các chương trình nội địa và những thành viên bảo thủ của Đảng Cộng hòa, những người muốn đòi tăng thêm chi tiêu cho quân sự và cắt giảm chi tiêu cho các chương trình nội địa để bù lại.
Theo dự kiến, Hạ viện sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận ngân sách trong tuần này, trước khi ngừng họp 6 tuần vào mùa hè, điều đó đồng nghĩa với việc những người lãnh đạo Đảng Dân chủ phải nhanh chóng huy động được sự ủng hộ. Thượng viện dự kiến sẽ họp trong tuần tới, giúp các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa có thêm một chút thời gian. □
Theo Tiasang