Chính phủ Nhật Bản vừa thông qua đề xuất của Đại học Tokyo về việc nuôi tế bào gốc người trong phôi thai chuột nhắt, chuột cống, lợn, sau đó cấy ghép vào động vật mang thai hộ.
Hiromitsu Nakauchi, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết mục tiêu của họ là tạo ra động vật mang nội tạng người có thể dùng để cấy ghép.
Nhóm của ông sẽ tạo ra phôi thai động vật thiếu gene sản sinh cơ quan nội tạng. Sau khi được tiêm tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPS) của người, phôi thai sẽ sử dụng tế bào này để hình thành nội tạng.
Nakauchi và cộng sự lên kế hoạch nuôi phôi thai trong 14,5 ngày với chuột nhắt, 15,5 ngày với chuột cống và 70 ngày với lợn.
Trong thí nghiệm năm 2017, các nhà nghiên cứu đã chữa trị thành công cho một con chuột nhắt bị tiểu đường bằng cách nuôi tụy mới khỏe mạnh trong phôi thai chuột cống. Do thí nghiệm chỉ phục vụ mục tiêu nuôi nội tạng nên nhóm nghiên cứu sẽ dừng lại nếu phát hiện hơn 30% tế bào người trong não động vật.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản cấm thực hiện những thí nghiệm như trên do lo ngại khả năng ra đời loài pha trộn gene người và động vật. Tuy nhiên, nhà chức trách đã dỡ bỏ lệnh cấm và soạn thảo quy định vào tháng 3 sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia từ năm 2012.
Quốc Hùng (Theo IFLscience)