Trong năm 2019, Nhật Bản sẽ khởi động một dự án đầy tham vọng (moonshot) nhằm giải quyết những vấn đề vô cùng thách thức, không chỉ của đất nước mà còn cả thế giới. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ chi 100 tỷ Yên (897 triệu USD) cho dự án nghiên cứu.
Một xã hội không có nhựa là một trong những mục tiêu chương trình nghiên cứu của Nhật Bản.
Đây là dự án tiếp theo Chương trình Thúc đẩy thay đổi mô hình bằng các công nghệ đột phá (ImPACT) trị giá 55 tỷ Yên, kéo dài trong 5 năm và mới kết thúc vào tháng trước. ImPACT đã tạo cơ hội cho các trường đại học và công ty theo đuổi các đổi mới mang tính đột phá, có khả năng gây tác động lớn và cũng chứa đầy rủi ro, Yoshiaki Tamura, người tham gia hỗ trợ Cục Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo ở Tokyo quản lý dự án này, cho biết. Ông nhận xét, dự án mới còn có nhiều tham vọng hơn cả ImPACT.
Một ủy ban tư vấn cho chính phủ bao gồm các nhà khoa học, doanh nhân và nghệ sĩ đã họp lần đầu tiên vào ngày 29/3/2019 tại Tokyo để xác định chính xác các mục tiêu cần giải quyết, đó là giải quyết vấn đề phát thải carbon ngày càng tăng và góp phần tạo ra một xã hội không có nhựa. Chính phủ đã phê duyệt dự án này vào tháng 2 và cũng đã yêu cầu công chúng cũng tham gia đề xuất thêm mục tiêu. Chính phủ dự kiến sẽ quyết định các mục tiêu chính thức vào tháng 6 tới, theo Akira Tsugita, giám đốc hoạch định và quản lý chiến lược tại Bộ KH&CN Nhật Bản (JST) ở Tokyo.
Trong những năm gần đây, ‘moonshot’ đã trở thành từ để chỉ các dự án lớn, được tài trợ nhiều tiền, có mục tiêu cao cả và có khả năng truyền cảm hứng. Chẳng hạn như chương trình Apollo của NASA, đã đưa được người lên Mặt trăng từ năm 1969 đến năm 1972. Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã đưa ra một ‘moonshot’ về ung thư vào năm 2016, tài trợ cho các nghiên cứu táo bạo về các phương pháp điều trị ung thư, cam kết 1,8 tỷ USD trong 7 năm.
Chương trình của Nhật Bản được mô phỏng theo các dự án quốc tế quy mô lớn khác, chẳng hạn như chương trình sắp tới của Ủy ban châu Âu, Horizon Europe và chương trình NSF 2026 Idea Machine của Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF). Các chương trình này đều đầu tư kinh phí cho các ý tưởng nghiên cứu táo bạo, Tsugita nói.
Theo nhà cố vấn chính sách George Dibb tại Đại học College London, các cách tiếp cận theo định hướng nhiệm vụ là con đường duy nhất giải quyết được các vấn đề thách thức, chẳng hạn như biến đổi khí hậu. Giải quyết các vấn đề này sẽ đòi hỏi nhiều cách tiếp cận, “một số cách sẽ thất bại, một số khác có thể thành công và có tác động rất lớn”, ông nhận xét. Từng tham gia tư vấn cho Ủy ban châu Âu, Chính phủ Anh và các tổ chức toàn cầu khác về các chính sách và các nhiệm vụ nghiên cứu tương tự, ông cho rằng, đổi mới sáng tạo không thể tránh khỏi nguy cơ rủi ro nên Nhật Bản cần phải sẵn sàng cho thất bại.
Một báo cáo năm 2018 tư vấn cho Ủy ban châu Âu về chương trình Horizon Europe đã đề xuất biện pháp giảm thiểu rủi ro: các nhiệm vụ phải phù hợp với xã hội, có mục tiêu tham vọng, có tính liên ngành, có thể đo lường và có thể được giải quyết theo nhiều cách khác nhau.
Hiện tại, Chính phủ Nhật Bản vẫn đang quyết định làm thế nào để có thể đo lường sự thành công của chương trình moonshot, Tsugita nói. Ngay cả khi không đạt được mục tiêu cụ thể đã định, các dự án vẫn có thể được coi là thành công nếu chúng góp phần tạo ra các cộng đồng các nhà nghiên cứu tập trung vào những vấn đề xã hội cụ thể, ông nói.
Dự án của Nhật Bản sẽ được thực hiện trong ít nhất 5 năm và có khả năng được mở rộng lên 10 năm. Sau khi các mục tiêu của chương trình đã được chọn, các nhà nghiên cứu sẽ được mời nộp đơn xin tài trợ tới JST hoặc Tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới, một cơ quan chính phủ khác.