Trái Đất của chúng ta đang bị nung nóng ở mức nhiệt độ cao kỷ lục.

Thời gian qua, những cơn sóng nhiệt đang khiến cho hàng ngàn người phải nhập viện và gây nên những đám cháy rừng lớn ở khắp mọi nơi, từ Hy Lạp cho đến tận vòng Bắc cực (Arctic Circle, vĩ tuyến 66 độ 30 phút Bắc).

Cameron Beccario, một nhà quản lý kỹ thuật tại Tổ chức Indeed Tokyo (Nhật Bản) vừa thiết kế một hệ thống hình ảnh động để mô phỏng Trái Đất và hiện tượng nắng nóng bất thường đang diễn ra. Cứ sau 3 giờ một lần, hệ thống sẽ được cập nhật để đảm bảo tính chính xác, trong khi dữ liệu thời tiết thì được lấy từ Trung tâm Quốc gia về Hệ thống dự báo môi trường toàn cầu (Nhật Bản).

Hình ảnh động cho thấy tình trạng nắng nóng toàn cầu. Ảnh: earth.nullschool.net

Hình ảnh động về tình trạng nắng nóng kỷ lục đang diễn ra trên khắp thế giới. Ảnh: earth.nullschool.net.

Với sự trợ giúp của siêu máy tính, Cameron Beccario đã tạo ra các mô hình thời tiết bằng tham số từ nhiều phép đo khác nhau, bao gồm nhiệt độ, độ ẩm đất đai, gió, hải lưu và lượng mưa. Ảnh chụp cho thấy trong tuần qua cả thế giới bị chìm ngập trong sắc cam và đỏ, chứng tỏ thời tiết nóng đến mức độ nào. Như một thành phố phụ cận Tokyo đang phải đối mặt với những đợt nóng như thiêu đốt, khi nhiệt độ ngoài trời lên đến gần 106 độ F (khoảng 41,1 độ C). Ít nhất 86 người đã chết vì say nắng kể từ hồi tháng Năm, và khoảng 23.000 người phải nhập viện trong tuần vừa rồi – New York Times cho biết.

Tuy nhiên, Nhật Bản cũng không phải là quốc gia duy nhất phải đối mặt với tình trạng nắng nóng kỷ lục trên diện rộng. Như tại Thụy Điển, một cơn sóng nhiệt đã làm bùng phát nhiều vụ cháy rừng trong tuần trước – thậm chí ngay tại khu vực gần vòng Bắc Cực. Cũng trong thời gian đó, Hy Lạp phải hứng chịu những đợt cháy rừng khủng khiếp do nhiệt độ quá cao và gió lớn, khiến hơn 80 người thiệt mạng – theo Washington Post. Hồi đầu tháng Bảy, Ouargla – một thành phố ở Algeria – cũng ghi nhận mức nhiệt độ cao chưa từng thấy tại châu Phi: 124,3 độ F (51,3 độ C); Hay như Oman trong tháng Sáu cũng trải qua những đêm dài nóng nhất trong lịch sử, khi mức nhiệt độ thấp nhất cũng đã ở ngưỡng 108,7 độ F (42,6 độ C) - theo The Post.

Tình trạng thời tiết khắc nghiệt – như những cơn sóng nhiệt hiện nay, bão lớn và hạn hán kéo dài – nhiều khả năng là do biến đổi khí hậu gây ra, mà con người mới phải chịu trách nhiệm chính. Một báo cáo sơ bộ so sánh nhiệt độ hiện nay với dữ liệu [trong lịch sử] từ bảy trạm quan trắc thời tiết ở châu Âu đã chỉ ra: ảnh hưởng của những cơn sóng nhiệt trên diện rộng dường như đã tăng gấp đôi so với trong quá khứ – BBC cho hay.