Ô nhiễm do phát thải ni-tơ có tác động rất tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người. Tuy vậy, nó vẫn thường bị gộp chung cùng các tác nhân gây hại khác đối với môi trường và góp phần làm trầm trọng hơn vấn đề biến đổi khí hậu, như là nitrous oxide (N₂O) và nitrogen oxides (NOₓ) hay khói chứa ammonia (NH₃).
Có một cách để hiểu và đo đếm mức độ chúng ta sử dụng hay phát thải ra bao nhiêu lượng ni-tơ (nitrogen), được gọi là “dấu vết ni-tơ” (nitrogen footprint). Đây là lượng ni-tơ phản kháng (bao gồm tất cả các dạng ni-tơ chứ không chỉ kể đến khí trơ) phát thải ra môi trường do các hoạt động hàng ngày của con người, ví dụ như tiêu thụ lương thực thực phẩm và sử dụng năng lượng.
Trên thế giới hiện nay đã có một số nước nghiên cứu đo đếm lượng phát thải ni-tơ. Chẳng hạn như một nghiên cứu ở Úc cho biết trung bình mỗi người dân nước này phát thải 47 kg ni-tơ/ năm, cao hơn nhiều so với người dân Mỹ với mức 28 kg/ người/ năm. Dấu vết ni-tơ của người Úc chủ yếu có nguyên nhân từ thói quen ăn uống giàu đạm động vật và sử dụng nhiều than để sản xuất năng lượng.
Dấu vết ni-tơ
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, một nhóm nghiên cứu đã tiến hành tính toán dấu vết ni-tơ của Trường đại học Melbourne.
Dấu vết ni-tơ của Trường ĐH Melbourne được đo từ tổng số các hoạt động của từng cá nhân của trường, kết quả là 139 tấn ni-tơ/ năm, chủ yếu do 3 yếu tố: thức ăn (37%), sử dụng năng lượng (32%) và đi lại (28%). Yếu tố thức ăn là nguyên nhân hàng đầu, do các cá nhân ở đây tiêu thụ nhiều thịt và thực phẩm khác từ sữa. Phát thải ni-tơ từ tiêu thụ thức ăn chủ yếu diễn ra trong quá trình sản xuất, còn phát thải từ sử dụng năng lượng chủ yếu do sử dụng điện sản xuất từ đốt than và sử dụng nhiên liệu để vận hành phương tiện đi lại phục vụ công việc.
Cắt giảm ni-tơ
Nhóm nghiên cứu đã lập chương trình có tên “Kế hoạch Bền vững” gồm các bước để trường có thể giảm dấu vết ni-tơ của mình. Nếu thực hiện theo chương trình này, trường sẽ cắt giảm được 60% dấu vết ni-tơ từ 3 nguồn chính là thực phẩm, sử dụng năng lượng và đi lại. Chỉ riêng việc thay đổi cách sử dụng năng lượng, chuyển sang sử dụng năng lượng sạch (mặt trời, gió), tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng và mua các tín chỉ các-bon, thì trường có thể giảm được ô nhiễm ni-tơ đến 29%.
Thay đổi thói quen đi lại bằng máy bay và cách lựa chọn thực phẩm vẫn áp dụng lâu nay quả là khó thực hiện, vì nó đòi hỏi phải thay đổi hành vi của con người vốn ăn sâu từ nền văn hóa mà mỗi người lớn lên.
Nhìn chung, người Úc sử dụng máy bay nhiều hơn so với người dân các nước khác, điều này góp phần đáng kể tác động xấu đến môi trường. Mặc dù ở Úc, mọi người cũng rất tích cực bảo vệ môi trường bằng nhiều cách để bù lại việc sử dụng vận tải hàng không, nhưng nếu ai đó cho rằng các hoạt động “đền bù” đó là đủ để coi vận tải hàng không là “bền vững” thì hoàn toàn sai lầm.
Trong tổng lượng dấu vết ni-tơ của Trường đại học Melbourne, thì đến 96% là xảy ra bên ngoài các tòa nhà của trường, người ta có thể không nhìn thấy tận mắt những tác hại từ các phát thải đó, nhưng hậu quả do ô nhiễm môi trường thì còn tồn tại rất lâu về thời gian và trên diện tích rất rộng về không gian.
Mỗi đơn vị, cơ quan, tổ chức nếu tổ chức thực hiện được các hoạt động giảm phát thải, gộp lại sẽ là những đóng góp tích cực rất lớn vào mục tiêu chung của toàn thế giới là cắt giảm phát thải, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống cho chính chúng ta và quan trọng hơn là cho con, cháu chúng ta.