Cơ quan Môi trường Quốc gia (NEA) của Singapore đang nỗ lực chống lại căn bệnh sốt xuất huyết bằng cách xây dựng một trang trại nuôi những con muỗi đặc biệt tại Ang Mo Kio.
Cơ sở này cho ra đời khoảng 5 triệu con muỗi đực Aedes aegypti nhiễm vi khuẩn Wolbachia mỗi tuần. Khi thả vào tự nhiên, những con muỗi đực nuôi trong phòng thí nghiệm sẽ ghép đôi với muỗi cái, đẻ ra những quả trứng không nở.
Muỗi Aedes aegypti là tác nhân chính làm lây truyền virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết. Do đó, việc giảm số lượng muỗi sẽ giúp hạ thấp nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng.
Muỗi mang vi khuẩn Wolbachia hoàn toàn không phải là muỗi biến đổi gene vì không có bất cứ sự can thiệp nào vào DNA của muỗi. Thay vào đó, các nhà khoa học cho vi khuẩn Wolbachia lây nhiễm và sống cộng sinh bên trong tế bào của con vật.
Từ tháng 1 – 11/2019, Singapore có khoảng 15.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết và 20 trường hợp tử vong, cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2018. “Sự tăng đột biến này một phần là do thời tiết nóng ẩm trong năm nay khiến muỗi sinh sản nhanh hơn”, Amy Khor, Bộ trưởng Tài nguyên nước và Môi trường Singapore, cho biết.
Quốc Hùng (Theo Channel News Asia)