Khi ở trên vũ trụ thời gian dài để thực hiện các nhiệm vụ, các phi hành gia mất hơn 1% khối lượng xương mỗi tháng, còn gọi là tình trạng loãng xương.

Các phi hành gia hiện nay sử dụng thuốc tiêm hằng ngày chứa hormone tuyến cận giáp ở người (PTH) kích thích sự hình thành xương và có thể giúp khôi phục khối lượng xương đã mất. Tuy nhiên hiện nay phi hành gia chỉ ở trong không gian tối đa 6 tháng, và đối với các nhiệm vụ không gian kéo dài hơn trong tương lai, rất khó để mang theo một lượng lớn thuốc và ống tiêm.
Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học California đã phát triển một loại xà lách biến đổi gene chứa PTH và có thể trồng trong vũ trụ. Các phi hành gia chỉ cần mang theo hạt giống, có kích thước rất nhỏ, trong một ống nghiệm có thể đựng đến vài nghìn hạt, và trồng như rau xà lách thông thường và ăn rau này để nhận đủ PTH thay vì tiêm. Trước đây các phi hành gia đã trồng thành công rau xà lách trên Trạm Vũ trụ Quốc tế, và nhóm nghiên cứu cho biết việc trồng loại rau xà lách mới không có gì khác biệt.

Các nhà nghiên cứu chưa nếm thử loại rau mới, vì tính an toàn chưa được kiểm định, nhưng họ dự đoán rằng rau sẽ có mùi vị rất giống với rau thông thường, giống như hầu hết các loại cây biến đổi gene khác. Ngoài ra, trước khi được đưa vào trồng trên vũ trụ, các nhà nghiên cứu vẫn còn phải tối ưu hóa lượng PTH mà rau tạo ra, và thử nghiệm khả năng ngăn ngừa mất xương trên các mô hình động vật và thử nghiệm lâm sàng trên người.

Nguồn: phys.org