TS. Hà Quang Khải (Đại học Bách Khoa TP.HCM) và các cộng sự đã thực hiện một đánh giá toàn diện về đặc điểm thủy địa hóa (hydrogeochemical) của nước ngầm trong các tầng chứa nước trầm tích của khu vực Nam Bộ.
Kết quả của nghiên cứu đã được công bố trong bài báo "Groundwater in Southern Vietnam: Understanding geochemical processes to better preserve the critical water resource" (phiên bản pre-proof) trên tạp chí Science of The Total Environment.
Từ bộ dữ liệu gồm 291 mẫu nước được thu thập trong mùa mưa và mùa khô từ 155 giếng, nhóm nghiên cứu đã tính toán chỉ số chất lượng nước ngầm và xác định mức độ phù hợp của nguồn nước này cho sinh hoạt, đồng thời kiểm tra các đặc điểm thủy địa hóa. Kết quả cho thấy, khoảng 47% mẫu nước ngầm có chất lượng từ kém đến không phù hợp cho sinh hoạt, trong đó tổng chất rắn hòa tan (TDS) và nồng độ sắt cao là nguyên nhân chính. Bên cạnh đó, họ cũng có một bộ dữ liệu mô tả vị trí địa lý cụ thể và tình trạng của các nhóm nước ngầm khác nhau ở miền Nam.
Theo nhóm nghiên cứu, phát hiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách xây dựng các biện pháp quản lý và bảo vệ nguồn nước ngầm phù hợp với đặc điểm địa hóa nước ngầm và các quá trình thủy địa sinh hóa.
Mỹ Hạnh