Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí eClinicalMedicine, các nhà khoa học tại Đại học Columbia (Mỹ) đã sàng lọc dữ liệu của hơn 160.000 phụ nữ sau mãn kinh trong thời gian 6 năm. Họ đo mật độ khoáng của xương và ước tính mức độ phơi nhiễm ô nhiễm không khí (PM1.0, NO, NO2 và SO2) dựa trên địa chỉ nhà của những người tham gia.

Họ phát hiện khi nồng độ ô nhiễm tăng lên, mật độ khoáng chất trong xương giảm xuống ở cả vùng cổ, cột sống và hông, không phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế – xã hội hoặc nhân khẩu học. Mật độ khoáng của xương là một thông số có khả năng phản ánh nguy cơ loãng xương và gãy xương.

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã nhấn mạnh mối liên hệ giữa các oxit nitơ và cột sống. Mức tăng 10% của loại ô nhiễm này trong ba năm có liên quan đến việc mất trung bình hằng năm 1,22% mật độ khoáng xương ở cột sống tại vùng thắt lưng, gấp đôi lượng khoáng xương mất đi từ quá trình lão hóa bình thường.

Nguyên nhân rất có thể là do các tế bào xương chết đi thông qua một số cơ chế bao gồm stress oxy hóa, trong đó các phân tử độc hại từ môi trường gây hại cho cơ thể.

Nguồn: Sciencealert.com