Hàng nghìn cá thể thuộc loài mèo lớn, phần nhiều là sư tử và hổ, đang được nuôi trong điều kiện cực kỳ tệ hại, sau đó bị giao dịch cả hợp pháp và bất hợp pháp để cung cấp xương, huyết và các bộ phận cơ thể cho thị trường toàn cầu đầy béo bở về các sản phẩm y học cổ truyền châu Á.
Tổ chức World Animal Protection vừa phát hành Báo cáo “Trading Cruelty – How Captive Big Cat Farming Fuels the Traditional Medicine Asian Industry” (Tạm dịch: Thương mại tàn nhẫn – Việc nuôi các loài mèo lớn tiếp tay cho ngành công nghiệp y học cổ truyền ở Châu Á như thế nào?).
Hàng nghìn cá thể thuộc loài mèo lớn, phần nhiều là sư tử và hổ, đang được nuôi trong điều kiện cực kỳ tệ hại, sau đó bị giao dịch cả hợp pháp và bất hợp pháp để cung cấp cho thị trường toàn cầu đầy béo bở về các sản phẩm y học cổ truyền châu Á. Những sản phẩm này (được chế biến từ xương, huyết và các bộ phận cơ thể mèo lớn), bao gồm dầu cù là, viên nang, gel và rượu – những thứ được các thầy lang châu Á tin rằng có thể chữa các bệnh từ viêm khớp đến viêm màng não. Mặc dù có rất ít bằng chứng thuyết phục về khả năng các sản phẩm này có công dụng y học như thế nhưng đáng lo ngại là nhu cầu về y học cổ truyền châu Á từ động vật lại đang tăng lên.
Các quốc gia chủ chốt liên quan đến cung và cầu là Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Nam Phi và Thái Lan.
Tháng 10/2018, chính phủ Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán xương hổ và sừng tê giác nhưng sau đó, vào tháng 11/2018, khôi phục lệnh cấm sau nhiều chỉ trích từ cộng đồng bảo vệ môi trường và Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế (WWF). Nhưng vẫn có ý kiến cho rằng việc khôi phục lệnh cấm chỉ là một biện pháp tạm thời và vẫn có khả năng sau này Trung Quốc sẽ dỡ bỏ lệnh cấm để cho phép sử dụng các bộ phận này cho nghiên cứu lâm sàng và điều trị y khoa.
Do đó, các chuyên gia bảo tồn và phúc lợi động vật lo ngại rằng do nhu cầu kích thích mà nhiều động vật sẽ bị nhân giống và chịu cảnh nuôi nhốt tàn tệ, đồng thời gây áp lực lên các quần thể hoang dã và thúc đẩy buôn bán bất hợp pháp các loài được sử dụng trong y học cổ truyền.
Những con số đáng chú ý về tình trạng buôn bán các loài mèo lớn:
- Ước tính ngành y học cổ truyền châu Á có giá trị từ 50 tỷ đến 120 tỷ USD trên toàn cầu;
- Từ 6.000 đến 8.000 cá thể sư tử và 280 cá thể hổ bị nuôi nhốt tại 200 cơ sở trên khắp Nam Phi;
- Ước tính có khoảng 5.000-6.000 con hổ bị nuôi nhốt ở Trung Quốc và 1.500 cá thể ở Thái Lan;
- Quần thể sư tử châu Phi giảm 43% trong khoảng thời gian 1993-2014, chỉ còn lại khoảng 20.000 cá thể trong tự nhiên;
- Quần thể hổ đang trên bờ vực tuyệt chủng, và IUCN ước tính rằng chỉ còn từ 2.154 đến 3.159 cá thể hổ trưởng thành sót lại trong tự nhiên. |
Kể từ năm 2000, ít nhất 5.559 cá thể mèo lớn châu Á đã được ngăn chặn từ các vụ buôn lậu. Điều này có nghĩa là ít nhất 1.031 cá thể hổ, 4.189 cá thể báo, 152 cá thể báo tuyết, 26 cá thể báo đốm và 17 cá thể sư tử châu Á đã chết.
Từ 2007 đến 2016, Nam Phi là nước xuất khẩu hợp pháp chủ lực các sản phẩm từ sư tử, số lượng nhỏ hơn xuất xứ từ Zimbabwe, Cộng hòa Tanzania, Namibia và Zambia. Ít nhất 70 tấn sản phẩm xương sư tử đã được xuất đi trong giai đoạn 2008-2016.
Khi quần thể mèo lớn hoang dã tiếp tục giảm mạnh, ngành công nghiệp y học cổ truyền đã tìm ra nhiều cách khác nhau để khai thác mèo lớn nhằm lấy các bộ phận của chúng, đồng thời vẫn kiếm lợi trong suốt cuộc đời chúng.
Các nhà nghiên cứu của World Animal Protection cũng tìm thấy một số xu hướng đáng lo ngại ở đầu kia của chuỗi cung ứng: người mua.
Khảo sát về thái độ của người tiêu dùng cho thấy hơn 40% người tiêu dùng Trung Quốc đã sử dụng các loại thuốc hoặc sản phẩm có chứa thành phần từ mèo lớn và hơn 55% người tiêu dùng thích các sản phẩm từ mèo lớn có nguồn gốc tự nhiên, 72% cho biết họ tin rằng các sản phẩm hoang dã tốt hơn nuôi nhốt.
Những con số ở Việt Nam cũng tương tự, 1/4 người tiêu dùng được khảo sát cho biết họ sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã như cao và rượu hổ cốt, hơn 80% tin rằng những sản phẩm này có tác dụng về y học mặc dù thiếu bằng chứng khoa học chứng minh. Khoảng 84% người tiêu dùng Việt Nam cho biết họ thích các sản phẩm mèo lớn từ cá thể bị bắt trong tự nhiên hơn.
Tuy nhiên 60-70% người Việt Nam và Trung Quốc được hỏi cho biết sẽ không mua các sản phẩm mèo lớn bất hợp pháp hoặc “có hại cho bảo tồn động vật”. Khoảng 68% người tiêu dùng mèo lớn ở cả hai quốc gia cho biết sẽ sẵn sàng thử các loại thảo dược thay thế nếu rẻ hơn.
54% người tiêu dùng Việt Nam cho rằng cách tốt nhất để giảm buôn bán mèo lớn là nâng cao nhận thức về sự tàn ác liên quan đến cách chúng được nuôi và bị giết. Hơn 30% người tiêu dùng Trung Quốc cho rằng cần phải có luật nghiêm ngặt hơn và hơn 20% ủng hộ nâng cao nhận thức về sản phẩm thay thế.
World Animal Protection khẳng định rằng các loài mèo lớn là động vật hoang dã, không phải là để mua vui hay làm thuốc.
Mục tiêu của báo cáo này là chấm dứt việc nuôi nhốt và buôn bán (cả hợp pháp và bất hợp pháp) mèo lớn để sử dụng trong y học cổ truyền châu Á và thúc đẩy các giải pháp thay thế bền vững: sử dụng nguyên liệu từ thực vật.
Báo cáo cũng xác định một số mục tiêu cụ thể như:
- Nâng cao nhận thức cho các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức nghiên cứu và học thuật để truyền cảm hứng hành động;
- Với hổ: Công nhận toàn cầu về lệnh cấm nuôi sinh sản và loại bỏ các cơ sở nuôi nhốt thương mại;
- Với sư tử: Công nhận toàn cầu về lệnh cấm buôn bán thương mại xương sư tử và tăng cường thực thi chống lại thương mại bất hợp pháp;
- Thúc đẩy các quốc gia liên quan đến việc nuôi nhốt và/hoặc buôn bán mèo lớn cải cách hoặc tăng cường luật pháp nhằm đảm bảo rằng việc nuôi mèo lớn cũng như buôn bán các bộ phận cơ thể của chúng là bất hợp pháp, khắc phục mọi kẽ hở cho phép các giao dịch kiểu này.
Nguồn: Pan Nature