Được biết khi bị bệnh Parkinson, căn bệnh liên quan đến tuổi tác, các tế bào thần kinh tiết ra chất dẫn truyền thần kinh dopamine, bị tổn thương. Kết quả là, các quá trình nhận thức bị ức chế, xuất hiện các rối loạn chức năng vận động.
Parkinson đứng thứ hai về tỷ lệ mắc bệnh sau Alzheimer. Cho đến nay, vẫn không có các phương thuốc chữa trị bệnh hiệu nghiệm. Việc cấy ghép các tế bào thần kinh đã từng được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2012. Khi đó, động vật thí nghiệm là khỉ.
Sau 6 tháng, kết quả đã trở nên rõ ràng: các tế bào cấy ghép sản sinh ra dopamine và hiệu suất vận động được cải thiện 10%. Trong nhiều năm quan sát, khỉ tham gia thí nghiệm không có dấu hiệu ung thư. Năm ngoái, nhóm khoa học do Jun Takahashi đứng đầu đã công bố công trình khẳng định rằng các tế bào được cấy ghép đã phát triển thành các tế bào trưởng thành, tạo nên mạng lưới tế bào tương tác với nhau, giúp giảm các triệu chứng bệnh, không hề hình thành khối u ung thư.
Nay nhóm nghiên cứu đã nộp đơn đăng ký thử nghiệm lâm sàng và đã được Bộ Y tế Nhật Bản phê duyệt. Theo đó, nhóm bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào ngày 1.8.2018. Giai đoạn thử nghiệm I và II liên quan đến 7 bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Kyoto để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của liệu pháp.
Các bệnh nhân sẽ được tiêm vào não 5 triệu tiền chất của các tế bào thần kinh dopaminergic có nguồn gốc từ các tế bào gốc đa năng cảm ứng (induced pluripotent stem cells (iPS) và được Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng iPS của Đại học Kyoto (CiRA) cung cấp.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins vừa tuyên bố đã phát triển một loại thuốc thử nghiệm điều trị bệnh Parkinson. Loại thuốc mới tương tự như các hợp chất được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường. Thuốc có tác dụng làm chậm sự tiến triển của bệnh Parkinson ở chuột.
Các thí nghiệm với động vật gặm nhấm và các tế bào não người cho thấy loại thuốc này cản trở sự thoái hóa của các tế bào não. Các nhà khoa học đã lên kế hoạch thử nghiệm lâm sàng ngay trong năm nay.