Ngôi đền Kodaiji có tuổi đời 400 năm ở Kyoto mới đây đã sử dụng một mẫu robot có kích thước tương đương người trưởng thành để thuyết giáo như một nhà sư thực thụ.
Các nhà sư trụ trì của đền Kodaji hy vọng rằng, robot này sẽ thay đổi bộ mặt tôn giáo và nâng tầm đạo Phật. Tuy nhiên nhiều nhà phê bình cho rằng, nó khá giống với quái vật Frank Frankstein. Nhà sư trụ trì tin tưởng với trí tuệ nhân tạo, một ngày nào đó, nó có thể đạt được trí tuệ vô hạn, điều mong mỏi mà con người chưa bao giờ đạt được.
Nhà sư Tensho Goto chia sẻ: "Robot này sẽ không bao giờ chết, nó sẽ tiếp tục tự cập nhật và phát triển. Đó chính là vẻ đẹp của robot. Nó có thể lưu trữ kiến thức mãi mãi và vô hạn. Với AI, chúng tôi hy vọng trí tuệ của nó sẽ giúp đỡ con người vượt qua những lúc khó khăn nhất. Nó đang thay đổi Phật giáo".
Theo SCMP, robot mang tên Mindar, có kích thước tương tự một người trưởng thành. Nó đã phục vụ ở đền từ hồi đầu năm nay và có thể di chuyển thân, cánh tay và đầu của nó. Tuy nhiên chỉ có phần mặt, bàn tay và vai của robot được bọc bằng silicon giống con người. Còn lại các vị trí khác vẫn để lộ ra bên ngoài, ví dụ như đèn nhấp nháy trên đầu. Trên mắt trái của robot cũng có gắn một camera có nhiệm vụ quay video.
Mindar luôn nắm chặt hai bàn tay với nhau trong tư thế cầu nguyện và nói với giọng êm dịu. Các bài giảng của Mindar dạy về lòng trắc ẩn, chia sẻ nhiều điều về ham muốn, bản ngã và sự nóng giận của con người. Các bài giảng có đầy đủ tiếng Nhật, tiếng Anh và tiếng Trung.
Robot thuyết giảng phật giáo Mindar là sản phẩm của đền Zen và giáo sư chế tạo người máy nổi tiếng Hiroshi Ishiguro tại Đại học Osaka.
Goto cho rằng, tôn giáo như đạo Phật đang dần suy thoái tại Nhật Bản và ông hy vọng, robot Mindar sẽ góp phần thay đổi diện mạo của đạo Phật, đồng thời kéo người trẻ tới các đền, chùa để nghe thuyết giảng về cách sống tốt đời đẹp đạo. Goto cũng khẳng định, Mindar không phải là mánh lới quảng cáo hay chiêu trò nào để thu hút giới trẻ đến chùa.
Mặc dù vậy không phải ai cũng thích ý tưởng để robot thuyết giảng đạo Phật. Đặc biệt nhiều người phương Tây cho rằng, robot trông giả tạo và quá máy móc nếu dùng để truyền dạy Phật giáo. Trong khi người Nhật không hề có định kiến gì với robot, thậm chí còn đưa cả hình tượng robot lên trên truyện tranh thì người phương Tây lại nghĩ khác.
Robot rõ ràng là một cỗ máy không có linh hồn nhưng đức tin trong Phật giáo không giống như đức tin trong Thiên chúa giáo, đó là tôn sùng Thượng Đế. Đạo Phật hướng con người đi theo con đường thiện, tu tâm tích đức. Do đó nhà sư Goto cho rằng, việc có hay không robot giảng đạo cũng không quan trọng bằng cách chúng sinh tiếp thu.