Nga vừa đưa vào vận hành thương mại nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới mang tên Akademik Lomonosov.

Nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov. Ảnh: AP.
Nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov. Ảnh: AP.

Cuối tháng 5, Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom) thông báo bàn giao xong nhà máy điện hạt nhân nổi ở thị trấn cảng Pevek thuộc vùng viễn đông Chukotka.

Tàu Akademik Lomonosov có nhiệm vụ cung cấp điện cho 100.000 hộ gia đình, cùng với các giàn khoan dầu và khí ngoài khơi.

“Dự án đã thành công tốt đẹp. Đây là nhà máy điện hạt nhân thứ 11 ở Nga và nó hoạt động tại khu vực Bắc Cực”, Andrei Petrov, Giám đốc công ty Rosenergoatom trực thuộc Rosatom, cho biết.

Cơ quan Giám sát Kỹ thuật, Nguyên tử và Môi trường (Rostechnadzor) xác nhận tàu Akademik Lomonosov đáp ứng đầy đủ các yêu cầu liên quan đến sức khỏe, môi trường, phòng cháy chữa cháy, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng.

Nga mất gần 20 năm để xây dựng nhà máy trị giá 450 triệu USD này. Nó có chiều dài 144m, rộng 30m và nặng 21.000 tấn. Với hai lò phản ứng KLT-40S, nhà máy điện hạt nhân nổi có khả năng sản xuất 70 megawatt (MW) điện.

Tháng 5/2019, tàu Akademik Lomonosov khởi hành từ thành phố St.Petersburg đi vòng qua Na Uy tới thành phố Murmansk của Nga để nạp nhiên liệu hạt nhân. Sau đó, tàu di chuyển tới Pevek vào tháng 9/2019.