Trong khi thủy điện Sanakham tại Lào sắp bước vào quy trình tham vấn trước thì Liên minh Cứu sông Mê Kông kêu gọi Lào hủy bỏ dự án này do thiếu tính hiệu quả, bền vững và có thể gây ra các tác động xuyên biên giới đối với các cộng đồng ven sông.
Ủy hội sông Mê Kông (MRC) vừa thông báo dự án thủy điện Sanakham tại Lào sẽ trải qua quy trình tham vấn trước về sử dụng nước của dòng chính sông Mê Kông (PNPCA).
Theo PNPCA, các dự án cơ sở hạ tầng thủy lợi và thủy điện quy mô lớn có thể tác động đáng kể đến môi trường, dòng nước và chất lượng của dòng chính sông Mê Kông phải trải qua quá trình tham vấn trước. Theo đó, Ủy ban điều hành MRC sẽ xem xét các khía cạnh kỹ thuật của dự án, đánh giá mọi tác động xuyên biên giới đối với môi trường và sinh kế dọc theo cộng đồng ven sông và đề xuất các biện pháp để giải quyết những mối lo ngại.
Nhóm làm việc - bao gồm đại diện kỹ thuật từ Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam - và là cơ quan tư vấn cho Ủy ban điều hành MRC trong việc triển khai PNPCA, dự kiến họp vào ngày 16/6 để thảo luận các vấn đề chính xung quanh quá trình tham vấn trước.
Trong khi đó, Liên minh Cứu sông Mê Kông (Save the Mekong Coalition) "kêu gọi hủy bỏ dự án đập Sanakham và các kế hoạch xây dựng các đập khác trên dòng chính của sông Mê Kông."
Nguồn nước mùa khô năm 2019-2020 về vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thấp hơn nhiều so với trung bình 10 năm gần đây. Trong ảnh:Người dân vùng bị khô hạn đi mua nước ngọt. Ảnh: nongnghiep.vn.
Theo các tài liệu về dự án mà Lào gửi đến MRC, đập Sanakham có công suất lắp đặt 684 megawatt (MW), ước tính tiêu tốn hơn 2 tỷ USD và xây dựng trong tám năm. Theo tính toán của Liên minh Cứu sông Mê Kông, như vậy dự án này kém hiệu quả hơn so với các dự án năng lượng bền vững vốn đang được triển khai trong khu vực. Đơn cử, từ tháng 4 đến tháng 7/2019, Việt Nam đã sản xuất thêm 4.400 MW điện từ năng lượng mặt trời, gấp sáu lần công suất lắp đặt của đập Sanakham.
Dự kiến, hầu hết nguồn điện tạo ra từ đập Sanakham được xuất khẩu sang Thái Lan. Tuy nhiên, lượng thặng dư điện của Thái Lan hiện tại lớn, thậm chí còn tăng nhiều hơn khi nền kinh tế suy giảm vì đại dịch COVID-19.
Liên minh Cứu sông Mê Kông - gồm các tổ chức phi chính phủ, các nhóm và mạng lưới dựa vào cộng
đồng, các học giả và công dân trong khu vực Mekong và quốc tế - còn cho biết, "Mặc dù đập Sanakham được đề xuất xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông, cách biên giới Thái Lan - Lào khoảng 2 km về phía thượng lưu nhưng không có các đánh giá cẩn trọng cũng như các tham vấn thực chất về tác động xuyên biên giới của dự án này."
Đáng nói hơn nữa là, "Hầu hết nội dung trong Đánh giá tác động môi trường và xã hội xuyên biên giới của đập Sanakham và Đánh giá tác động tích lũy (TBESIA/CIA) đều lỗi thời và sao chép nội dung từ bản đánh giá đập Pak Lay." Trong khi, theo MRC, bản thân TBESIA/CIA của Pak Lay có nội dung sơ sài, sao chép dữ liệu chủ yếu từ báo cáo đánh giá đập Pak Beng.
Các đập được xây dựng tại khu vực sông Mê Kông cùng các nhánh của nó có thể gây ra tác động xuyên biên giới, làm mất sinh kế, ảnh hưởng đến đất đai và sự sống ở các cộng đồng ven sông, trong đó có khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam.
Được biết, đến năm 2040, Lào có kế hoạch xuất khẩu 11.739 MW điện sang Thái Lan, trong khi theo các kế hoạch của Thái Lan họ sẽ chỉ nhập 4.274 MW. Tháng 4/2020, Bộ Năng lượng Thái Lan cho biết mức dự trữ điện trong năm 2020 của nước này có thể lên tới 40%, tương đương khoảng 18.000 MW, cao hơn đáng kể so với tổng cộng công suất lắp đặt của tất cả các đập trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông.
Nguồn:
PanNature, Save the Mekong Coalition