Các nhà khoa học tại Đại học Cornell (Mỹ) phát hiện việc tiếp xúc với nắng nóng khắc nghiệt làm tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tại các quốc gia có thu nhập thấp ở Tây Phi.
Các nhà khoa học tại Đại học Cornell (Mỹ) phát hiện việc tiếp xúc với nắng nóng khắc nghiệt làm tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tại các quốc gia có thu nhập thấp ở Tây Phi.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về sức khỏe của 32.000 trẻ em trong độ tuổi từ 3–36 tháng tuổi tại năm quốc gia ở khu vực Tây Phi bao gồm Benin, Burkina Faso, Côte d’Ivoire, Ghana và Togo trong giai đoạn từ năm 1993 đến năm 2014. Họ nhận thấy tỷ lệ thấp còi do suy dinh dưỡng cao hơn gần 6% ở những trẻ trải qua mức nhiệt độ trên 35°C ít nhất 12 ngày mỗi tháng.
Điều này có thể làm chậm sự phát triển kinh tế, do tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em liên quan đến tỷ lệ tử vong cao hơn, giáo dục và thu nhập thấp hơn sau này trong cuộc sống.
Hiện tượng nắng nóng khắc nghiệt đang diễn ra thường xuyên hơn khi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các nhà máy điện, khu công nghiệp, giao thông vận tải và nông nghiệp không ngừng gia tăng, khiến Trái đất ngày càng nóng lên. Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 2°C so với mức tiền công nghiệp, tỷ lệ trẻ em còi cọc và chậm lớn ở Tây Phi có thể tăng lên 7,4 điểm phần trăm, làm đảo ngược những tiến bộ đã đạt được trong việc cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em châu Phi trong thời gian qua. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Environmental Economics and Management.
Nguồn: Businessinsider.com
Quốc Hùng - Bá Lộc thực hiện