Đầu tuần này, nhà điều hành phân phối điện của Ba Lan cho biết những đợt gió lớn đổ vào Bắc Âu đã tạo ra mức năng lượng gió kỷ lục cho Ba Lan, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu điện ở nước này. Ba Lan vốn là quốc gia sử dụng phần lớn điện than.

Khi cơn gió cực mạnh ập đến, "chúng tôi đã ghi nhận mức sản xuất điện kỷ lục từ các trang trại gió, 6.700 megawatt", Maciej Wapinski, thuộc Hệ thống Điện Ba Lan (PSE) cho biết.

Wapinski cho biết nhu cầu tại thời điểm đó ở Ba Lan, một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu với dân số 38 triệu người, là gần 24.000 megawatt, có nghĩa là "các trang trại điện gió đã đáp ứng gần 30% nhu cầu", Wapinski cho biết trong một email.

Hình minh họa. Nguồn: AP

PSE là cơ quan đảm bảo phân phối năng lượng điện trên khắp Ba Lan.

Janusz Gajowiecki, người đứng đầu Hiệp hội Năng lượng gió Ba Lan, cho biết trung bình, các trang trại gió cung cấp khoảng 10% nhu cầu năng lượng hàng năm của Ba Lan và nhấn mạnh rằng tiềm năng điện gió có thể cao hơn nhiều.

Nhưng khi cơn bão mạnh thêm nữa vào cuối tuần, phá hủy các đường dây điện và khiến một số tuabin điện gió tự động tắt để đảm bảo an toàn, mức công suất từ ​​các trang trại điện gió gió đã giảm xuống khoảng một nửa so với mức kỷ lục mới, Wapinski cho biết.

Năng lượng tái tạo chiếm 25% tổng sản lượng năng lượng của Ba Lan và đang tăng lên, đặc biệt là trong hai loại năng lượng gió và mặt trời. Vai trò của điện than đang giảm đi đôi chút nhưng vẫn chiếm 65% sản lượng năng lượng của Ba Lan. 6% khác đến từ khí đốt, chủ yếu là từ Nga.

Các trang trại gió chiếm 42% tổng sản lượng tái tạo của Ba Lan, và 45% đến từ điện mặt trời.

Trong lĩnh vực khí đốt, Ba Lan đã và đang thực hiện các bước để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt từ Nga. Cảng khí đốt của Ba Lan ở Biển Baltic, nơi các chuyến hàng đến từ Qatar và Mỹ, đang được mở rộng và nước này đang xây thêm một đường ống để đưa khí đốt từ Na Uy vào.

Trong các cơn bão gần đây, bốn người đã được báo cáo thiệt mạng ở Ba Lan và ít nhất chín người bị thương, do gió lớn làm đổ cây và thổi bay mái nhà.

Nguồn: https://techxplore.com/news/2022-02-storm-poland-energy-power.html