Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố Phác thảo Tuyên ngôn nhân quyền trong thời đại AI nhằm bảo vệ công dân Mỹ trước công nghệ mới.

Ông Biden trước đây đã kêu gọi các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư mạnh mẽ hơn và yêu cầu các công ty công nghệ ngừng thu thập dữ liệu. Nhưng nước Mỹ - nơi đóng đô của những công ty công nghệ và AI lớn nhất thế giới - cho đến nay vẫn là một trong những nước phương Tây duy nhất không có quy định rõ ràng về cách bảo vệ công dân của mình trước tác hại của AI.

Phác thảo Tuyên ngôn nhân quyền trong thời đại AI (Blueprint for an AI Bill of Rights) là tầm nhìn của Nhà Trắng về cách chính phủ Mỹ, các công ty công nghệ và công dân có thể hợp tác cùng nhau để bảo đảm công nghệ AI có trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, các ý kiến chỉ trích cho rằng kế hoạch này còn thiếu sót và Mỹ cần có những quy định chặt chẽ hơn về AI.

Ảnh minh họa

Những mối nguy hại từ AI

"Những công nghệ này đang gây ra những tác hại thực sự trong cuộc sống của người Mỹ - những tác hại đi ngược lại các giá trị dân chủ cốt lõi, bao gồm quyền riêng tư, không bị phân biệt đối xử và phẩm giá cơ bản", một quan chức cấp cao của Văn phòng chính sách Khoa học và công nghệ (OSTP) - cơ quan tư vấn cho Tổng thống về các vấn đề khoa học và công nghệ và trực tiếp soạn thảo phác thảo, cho biết.

AI là công nghệ có tiềm năng biến đổi xã hội, và cũng có nguy cơ gây ra tác hại nghiêm trọng, thường ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đến các nhóm thiểu số. Chẳng hạn, một số công nghệ nhận dạng khuôn mặt thường đưa ra các đánh giá tiêu cực hơn về khuôn mặt người da đen.

Vì vậy, người Mỹ cần được bảo vệ khỏi các hệ thống không an toàn hoặc không hiệu quả, theo bản phác thảo. Cụ thể, các thuật toán không được phân biệt đối xử và các hệ thống phải được thiết kế và sử dụng theo cách công bằng, công dân phải có quyền quản lý dữ liệu của chính mình và được bảo vệ khỏi các hành vi lạm dụng dữ liệu.

Công dân cũng cần được biết bất cứ khi nào họ đang bị đánh giá bởi một hệ thống tự động và cách nó đưa ra kết quả.

Cuối cùng, người dân phải luôn có quyền chọn không làm việc với các hệ thống AI, mà thay vào đó chọn làm việc với người có khả năng khắc phục vấn đề mà họ gặp phải.

Marc Rotenberg, người đứng đầu Trung tâm Chính sách về AI và kỹ thuật số, tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi chính sách về AI, cho biết phác thảo của OSTP “ấn tượng”, nhưng mới chỉ là điểm khởi đầu. Vẫn còn nhiều yếu tố về việc làm thế nào triển khai AI theo cách đáng tin cậy và lấy con người làm trung tâm, theo Rotenberg.

Các yêu cầu mới của Mỹ cũng tương tự với những biện pháp được giới thiệu ở EU, nhưng tài liệu của OSTP không có tính ràng buộc và không cấu thành chính sách của chính phủ Mỹ, vì OSTP không thể ban hành luật. Công việc tiếp theo, ban hành luật, nằm trong tay các nhà lập pháp.

Dù vậy, bản phác thảo có thể tạo tiền đề cho luật pháp trong tương lai, chẳng hạn như việc thông qua Đạo luật về trách nhiệm giải trình hoặc thành lập cơ quan quản lý AI, Sneha Revanur, người đứng đầu Encode Justice - tổ chức hoạt đồng về giới trẻ và AI, cho biết.

Revanur và các nhà hoạt động khác cho biết họ hy vọng các quy định có tính ràng buộc thực sự sẽ ra đời theo sau bản phác thảo này.

Nguồn: