Trong bài báo được công bố trên tạp chí National Science Review vào cuối tháng 9, các nhà nghiên cứu tại Đại học Curtin (Úc) và Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) đã sử dụng siêu máy tính để mô phỏng sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo trên Trái đất.

Họ phát hiện Thái Bình Dương sẽ thu hẹp dần và biến mất trong khoảng thời gian chưa đầy 300 triệu năm nữa. Mỗi năm, một vài cm của mảng Thái Bình Dương trượt xuống dưới mảng Á-Âu và mảng Ấn-Úc, thu hẹp khoảng cách giữa Bắc Mỹ, châu Á và Úc. Cuối cùng, chúng va chạm với nhau để tạo thành một khối đất liền thống nhất gọi là siêu lục địa Amasia.

Zheng-Xiang Li, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Curtin, cho biết các hệ sinh thái và môi trường của Trái đất sẽ rất khác biệt vào thời điểm siêu lục địa Amasia hình thành. Mực nước biển dự kiến ​​sẽ thấp hơn. Phần diện tích đất rộng lớn nằm sâu trong lục địa nhiều khả năng sẽ có khí hậu rất khô hạn và khắc nghiệt.

Siêu lục địa xuất hiện gần đây nhất là Pangea. Nó tồn tại cách đây khoảng 335 triệu năm và bắt đầu bị phá vỡ vào đầu kỷ Jura cách đây 200 triệu năm.

Nguồn: Newatlas.com