Quyết định được đưa ra dựa trên đánh giá các dữ liệu do Pfizer cung cấp gần đây, theo đó cho phép bảo quản loại vaccine này ở điều kiện nhiệt độ tủ lạnh từ 2-8 độ C trong vòng 1 tháng.
Trước đây, FDA Mỹ chỉ cho phép bảo quản vaccine ở nhiệt độ 2-8 độ C trong vòng 5 ngày. (Nguồn: fiercepharma.com)
Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) ngày 19/5 thông báo vaccine ngừa COVID-19 do các hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNtech (Đức) phối hợp phát triển có thể bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh trong vòng 1 tháng.
Cơ quan trên nêu rõ quyết định được đưa ra dựa trên đánh giá các dữ liệu do Pfizer cung cấp gần đây, theo đó, FDA sẽ cho phép bảo quản loại vaccine này ở điều kiện nhiệt độ tủ lạnh từ 2-8 độ C trong vòng 1 tháng. Trước đây FDA Mỹ chỉ cho phép bảo quản ở nhiệt độ này trong vòng 5 ngày.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đánh giá sinh học thuộc FDA, ông Peter Marks cho biết với sự thay đổi này vaccine Pfizer/BioNtech sẽ dễ dàng tiếp cận người dân hơn vì các đơn vị cung cấp vaccine sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong khâu tiếp nhận, bảo quản và tiêm chủng.
Trước đó, hồi tháng 2 vừa qua, FDA mới chỉ nới lỏng điều kiện bảo quản vaccine Pfizer/BioNtech ở mức "tối đa 2 tuần trong nhiệt độ phổ biến ở các tủ lạnh bảo quản dược phẩm", chứ không bắt buộc bảo quản ở nhiệt độ đông lạnh từ âm 60 đến âm 80 độ C như quy định ban đầu.
Ngày 17/5 vừa qua, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cũng phê duyệt bảo quản vaccine Pfizer/BioNtech trong tủ lạnh trong vòng 1 tháng.
Liên quan vaccine ngừa COVID-19, nguồn tin Chính phủ Ai Cập cho biết quốc gia này đã đạt thỏa thuận với đối tác Nga để cung cấp vaccine Sputnik V cho Ai Cập, đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong nước và tiến tới xuất khẩu vaccine sang các nước châu Phi khác.
Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn nguồn tin trên cho biết quá trình cung cấp sẽ được triển khai từ nay cho đến cuối năm.
Bên cạnh đó, quốc gia Bắc Phi này cũng sẽ nhận được thêm 500.000 liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc trong những ngày tới, và thêm 1,9 triệu liều vaccine AstraZeneca theo chương trình COVAX - cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng - trong tuần đầu tiên của tháng Sáu tới.
Cuối tháng 4 vừa qua, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) và hãng dược phẩm Minapharm của Ai Cập đã đạt thỏa thuận sản xuất 40 triệu liều vaccine Sputnik V/năm và quá trình này sẽ bắt đầu trong quý 3 năm nay.
Cho đến nay, gần 1 triệu người dân Ai Cập đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong tổng số 2,7 triệu người đã đăng ký tiêm chủng trên trang mạng do Bộ Y tế Ai Cập cung cấp.
Theo số liệu thống kê mới nhất, đến nay Ai Cập đã ghi nhận hơn 248.000 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có hơn 14.440 ca tử vong./.