Hạ lưu sông Mekong đang có mực nước thấp kỷ lục trong năm thứ hai liên tiếp, theo báo cáo của Ủy ban sông Mekong (MRC).

Báo cáo do MRC công bố hôm nay, 7/8, phân tích các điều kiện thủy văn ở hạ lưu sông Mekong (LMB) trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 7/2020 và xác định sơ bộ những nguyên nhân có thể gây ra dòng chảy thấp trong năm nay. Trong đó bao gồm nguyên nhân lượng mưa thấp bất thường do ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El Nino, tình trạng dòng chảy thấp kéo dài từ năm 2019 và lưu lượng nước ít hơn từ các nhánh sông Mekong.

Sử dụng dữ liệu giám sát, lượng mưa và thời tiết có sẵn của mình và các nguồn toàn cầu khác, báo cáo của MRC cho rằng, hoạt động của các đập trên dòng chính ở thượng lưu sông Mê Kông và các đập phụ lưu ở LMB có thể đã góp phần gây ra dòng chảy thấp hiện nay. Tuy nhiên, MRC đã không thể có được dữ liệu và thông tin chính thức để xác thực ảnh hưởng đó.

Bởi vậy MRC kêu gọi sáu quốc gia trên dòng Mekong tăng cường chia sẻ dữ liệu và thông tin về hoạt động của các đập một cách minh bạch và nhanh chóng. "Đã đến lúc bắt đầu thảo luận và hành động vì lợi ích chung của toàn bộ lưu vực sông Mekong và các cộng đồng bị ảnh hưởng," Tiến sĩ An Pich Hatda, Giám đốc điều hành của MRC, nói.

Ruộng đồng nứt nẻ vì hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: AFP

Báo cáo dài 32 trang của MRC chỉ ra rằng dòng chảy thấp hiện nay có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thủy sản hoặc năng suất nông nghiệp ở Campuchia, Việt Nam, Lào và Thái Lan.

"Vào tháng 7/2020, hơn 60% các khu vực trong LMB được coi là khô hạn nghiêm trọng theo các chỉ số khí tượng," báo cáo viết.

Báo cáo đề nghị bốn nước này xem xét cảnh báo về tình hình và nếu mực nước trong mùa lũ năm 2020 không cải thiện đáng kể, các quốc gia nên tìm kiếm các nguồn nước thay thế để đảm bảo nguồn cung cấp nước.

Trong trường hợp tình trạng dòng chảy thấp vẫn tiếp tục, bốn nước nên xem xét yêu cầu Trung Quốc xả nước bổ sung, như năm 2016, để giảm bớt tình hình hạn ở LMB, đặc biệt là trong mùa khô sắp tới - báo cáo nêu rõ.

Nguồn:

MRC