Từng được ca ngợi vì đã kiểm soát đại dịch một cách hiệu quả, nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ ở châu Á - Thái Bình Dương giờ đây đang lo ngại về làn sóng Covid-19 mới.

Cho đến nay, các nước châu Á - Thái Bình Dương đã kiểm soát đại dịch Covid-19 một cách hiệu quả, với số ca nhiễm thấp hơn bất cứ đâu trên thế giới và được coi như hình mẫu về cách xử lý Covid-19. Nhưng ở nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ, số ca nhiễm bắt đầu tăng trở lại, xuất phát từ sự nới lỏng sớm các biện pháp kiểm soát và công chúng mệt mỏi với việc giãn cách xã hội.

Ví dụ điển hình nhất là bang Victoria của Úc, nơi ghi nhận 723 trường hợp Covid-19 mới vào ngày 30/7 và 3 ngày sau đó phải tuyên bố tình trạng thảm họa, cho phép chính phủ áp đặt giờ giới nghiêm từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng ở Melbourne. Hằng ngày, chỉ một người trong mỗi hộ gia đình ở thành phố này được phép mua sắm các mặt hàng thiết yếu một lần. Đây là sự đảo ngược đáng ngạc nhiên đối với một quốc gia từng được coi là gần như loại bỏ Covid-19 trong cộng đồng. Victoria từng báo cáo không có trường hợp mới nào vào ngày 9/6.

Các thành viên của Lực lượng Quốc phòng Úc rà soát Melbourne sau khi bang Victoria phong tỏa thành phố này để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

Trong khi đó, Hồng Kông đã có 12 ngày liên tiếp có trên 100 ca nhiễm mới vào tháng Bảy. Việt Nam thì ghi nhận một trường hợp mất dấu F0 tại Đà Nẵng vào ngày 24/7 sau 3 tháng không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng. Việt Nam đã ghi nhận hơn 200 trường hợp trong tuần qua, từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh cũng như tám trường hợp tử vong đầu tiên do Covid-19. Chính phủ hiện đang cách ly một số khu vực ở Đà Nẵng và thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố.

Nhật Bản cũng đang chứng kiến số ca nhiễm gia tăng đáng kể và Trung Quốc đã báo cáo hơn 1.400 trường hợp mới trong tuần cuối tháng 7, hầu hết trong số đó ở khu vực Tân Cương.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân Đà Nẵng.Đến sáng 5/8, Việt Nam có tổng cộng 672 ca mắc COVID-19. Ảnh: moh.gov.vn.

Hai trường hợp ngoại lệ đáng chú ý là New Zealand và Đài Loan: cả hai đã chấm dứt lây nhiễm trong cộng đồng và đã gỡ bỏ hầu hết các biện pháp giãn cách. New Zealand và Đài Loan đều xét nghiệm và kiểm dịch bất kỳ ai nhập cảnh để tránh tái lây nhiễm virus - nhiệm vụ này dễ dàng hơn so với nhiều nước vì cả hai đều nằm giữa biển.

Cảm giác an toàn giả

Số ca nhiễm trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn còn thấp so với nhiều nơi khác trên thế giới. Thậm chí đến nay, tổng số trường hợp Victoria báo cáo chỉ là 12.335, với 147 trường hợp tử vong; trong khi bang Indiana của Mỹ, có dân số tương đương, đã báo cáo hơn 68.000 trường hợp và gần 2.800 trường hợp tử vong.

Nhưng các chuyên gia lo ngại rằng thành công sớm có thể đã mang lại cho nhiều quốc gia cảm giác an toàn giả. Ben Cowling, nhà dịch tễ học tại Đại học Hồng Kông (HKU) cho biết, việc tái xuất hiện các ca nhiễm "là một dấu hiệu cảnh báo". Nhiều người, thậm chí có cả những người trong cộng đồng khoa học, nghĩ rằng việc xử lý dịch bệnh là việc "làm một lần là xong, khi dịch bệnh biến mất, cuộc sống có thể trở lại bình thường," Ben nói. Nhưng với Covid-19 thực tế không phải như vậy.

Như Nhật Bản, nơi kết hợp giữa giãn cách xã hội tự nguyện và tập trung vào việc tìm kiếm các cụm lây nhiễm, đã đưa số ca nhiễm hằng ngày từ hơn 700 vào giữa tháng Tư xuống còn hai chữ số vào tháng Năm. "Nhiều người đã tự mãn về sự thành công của Nhật Bản và cho rằng 'mô hình Nhật Bản' có hiệu quả," Kenji Shibuya, chuyên gia y tế toàn cầu tại Đại học King London nói. Nhưng 1.332 trường hợp Covid-19 mới đã được ghi nhận trên khắp Nhật Bản vào ngày 2/8, ngày thứ năm liên tiếp ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới. Tuy nhiên, chính phủ Nhật vẫn không tuyên bố tình trạng khẩn cấp mới, vì cho rằng những người trẻ tuổi chiếm một tỷ lệ lớn trong các ca nhiễm mới. Thống đốc Tokyo Yuriko Koike đã cảnh báo thành phố có thể cần phải tự mình tuyên bố tình trạng khẩn cấp, thậm chí với các biện pháp chặt chẽ hơn trước.

"Chỉ là vấn đề thời gian trước khi người già và người có bệnh nền nhiễm bệnh," Shibuya nói, điều này sẽ dẫn đến gia tăng các trường hợp nghiêm trọng và tử vong. (Ở Mỹ và một số nước châu Âu cũng vậy, gia tăng lây nhiễm ở những người trẻ tuổi kéo theo gia tăng các trường hợp ở các nhóm tuổi lớn hơn.) "Nhật Bản đang làm mọi thứ tồi tệ hơn bằng cách chỉ chờ đợi và xem xét."

Hồng Kông cũng do dự về việc tăng cường các hạn chế. "Trong một tuần mà họ chờ đợi, số ca nhiễm hằng ngày đã tăng từ 20 lên 100," Cowling nói, và bây giờ hệ thống có thể bị quá tải. "Các số có vẻ nhỏ sẽ tăng lên rất nhanh," theo Cowling. Giờ đây, Hồng Kông đã phải đóng cửa tất cả các phòng tập thể dục và quán bar, chỉ cho gặp gỡ tối đa hai người, bắt buộc đeo khẩu trang...

Phân tích di truyền đã chỉ ra rằng hầu hết các ca nhiễm ở bang Victoria bắt nguồn từ nhân viên an ninh bảo vệ các khách sạn, nơi cư dân trở về từ nước ngoài được cách ly, theo Nigel McMillan, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Griffith. Lý do là, bảo vệ và nhân viên an ninh ít được đào tạo liên quan đến chăm sóc sức khỏe hoặc bảo vệ bản thân. Virus lây lan sang gia đình của họ, vào cộng đồng và cuối cùng vào các nhà dưỡng lão. Lây nhiễm dây chuyền ở đây đang được điều tra chính thức.

Ngay cả các quốc gia từng kiểm soát được đại dịch cũng phải tiếp tục tinh chỉnh các biện pháp kiểm soát và duy trì sự ủng hộ của người dân đối với các biện pháp đó, Catherine Bennett, nhà dịch tễ học tại Đại học Deakin, nói.

Nguồn: