Một khảo sát mới đây cho thấy chỉ một 50% số người ở Đông Âu nghĩ rằng vắc-xin an toàn, so với tỷ lệ trung bình 79% trên toàn thế giới.

Một cuộc khảo sát toàn cầu về thái độ đối với khoa học đã cho thấy quy mô của cuộc khủng hoảng niềm tin vào vắc-xin ở châu Âu, theo đó, 59% người dân ở Tây Âu và 50% ở Đông Âu nghĩ rằng vắc-xin là an toàn, so với tỷ lệ 79% trên toàn thế giới.

Trên toàn cầu, 84% người dân nhận thức rằng vắc-xin có hiệu quả và 92% cho biết con họ đã được tiêm vắc-xin. Mặc dù có hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe tốt, các vùng của Châu Âu có mức độ tin tưởng thấp vào vắc-xin. Pháp có mức độ không tin tưởng cao nhất, ở mức 33%.

Theo WHO, số ca bệnh sởi đã tiếp tục leo thang vào năm 2019. Dữ liệu toàn cầu sơ bộ cho thấy các trường hợp được báo cáo đã tăng 300% trong ba tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2018. Số ca sởi gia tăng liên tiếp trong hai năm qua. Đã có những vụ dịch sởi lớn ở một số quốc gia, lan rộng khắp các lục địa, có nguyên nhân liên quan đến mất niềm tin vào vắc-xin.

Một y tá chuẩn bị một mũi tiêm MMR.

Tiến sĩ Heidi Larson, giám đốc Dự án niềm tin vắc-xin tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London, cho biết, mặc dù niềm tin vào vắc-xin ở Anh cao hơn so với một số khu vực khác ở châu Âu, "nhưng Vương quốc Anh bây giờ dễ bị ảnh hưởng", bà nói.

Cuộc khảo sát đầu tiên của Wellcome Global Monitor với 140.000 người trên toàn thế giới, cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa niềm tin vào bác sĩ, y tá và nhà khoa học và niềm tin vào vắc-xin. Nó cũng cho thấy sự ngờ vực đối với vắc-xin trong các tổ chức chính phủ đi liền với sụ ngờ vực trong cộng đồng.

"Cuộc điều tra toàn cầu đầu tiên này cho thấy rõ rằng niềm tin của mọi người vào khoa học bị ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa, môi trường và nền tảng của họ", Imran Khan, phụ trách quan hệ công chúng tại Wellcome, cho biết. "Chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến những liên kết này nếu muốn mọi người đều được hưởng lợi từ khoa học".

Các liên kết là rõ ràng nhất trong lĩnh vực vắc-xin. "Niềm tin vào vắc-xin đang giảm ở nhiều nhóm dân số và quốc gia trên thế giới. Điều này gây rủi ro lớn cho sức khỏe cộng đồng", Khan nói.

Larson cho biết các phương tiện truyền thông xã hội đã khuếch đại sự nghi ngờ đối với vắc-xin. "Truyền thông dễ gây biến động. Nó đã thay đổi hoàn toàn tình hình". Bà nói rằng các nhà khoa học khó chống lại sự truyền bá thông tin sai lệch vì việc này thường không công khai, phần lớn đã chuyển sang các nhóm Facebook và các diễn đàn riêng mà người ngoài không thể truy cập.

Theo Larson, có thể mất nhiều năm mới thấy được toàn bộ tác động của việc suy giảm niềm tin vào vắc-xin. Andrew Wakefield, một bác sĩ tiêu hóa không đáng tin cậy, đã công bố bài báo về mối liên hệ giữa vắc-xin MMR (sởi, quai bị và rubella) và bệnh tự kỷ vào năm 1998. "5 năm sau báo cáo của Andrew mới có tác động đến việc tiêm vắc-xin", Larson nói.

Bangladesh và Rwanda có mức tin cậy cao nhất vào vắc-xin trên thế giới. Rwanda cũng có sự tin tưởng cao nhất vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của đất nước mình, ở mức 97%, so với mức trung bình toàn cầu là 76%.

"Tại các nước đang phát triển, nơi các bệnh chết người như bạch hầu, sởi hoặc ho gà phổ biến hơn, tôi đã thấy các bà mẹ xếp hàng hàng giờ để tiêm phòng cho con", Seth Berkley, giám đốc điều hành của Liên minh vắc-xin Gavi, cho biết. "Nhưng ở những quốc gia giàu có, nơi chúng ta không còn thấy tác động khủng khiếp mà những căn bệnh này gây ra, mọi người trở nên lơ là hơn".

Bắc Âu tỏ ra tự tin hơn về sự an toàn và hiệu quả của vắc-xin so với các khu vực phía tây hoặc phía đông. Ở Bắc Âu, 73% người dân cho rằng vắc-xin là an toàn, con số tương tự như ở Bắc Mỹ; và 84% người dân Bắc Âu cho rằng vắc-xin có hiệu quả (83% ở Bắc Mỹ). Chỉ 65% người Đông Âu nghĩ rằng vắc-xin có hiệu quả. Tại Ukraine, nơi có hơn 53.000 ca mắc sởi năm ngoái, con số này là 50%.

Unicef cho biết vào tháng 3 rằng các ca mắc sởi trên toàn thế giới đang gia tăng ở mức độ cao đáng báo động. Bệnh này có khả năng lây nhiễm rất cao và ở các nước đang phát triển bệnh có khả năng giết chết một trong 100 trẻ em mắc bệnh.

Khảo sát của Global Monitor tìm thấy những cảm nhận khác nhau về khoa học của người dân trên khắp thế giới. Một nửa dân số thế giới nói rằng họ biết rất ít về khoa học và 20% cho biết họ cảm thấy không được thụ hưởng các lợi ích khoa học. 55% người dân ở Pháp cho biết họ tin rằng khoa học và công nghệ sẽ dẫn đến mất việc làm, cũng như 37% người dân ở Anh.

Nguồn: