Nhiều khu vực trên thế giới đang bước vào giai đoạn thời tiết cực đoan nhất trong năm, trong khi khả năng chống chịu của các chính phủ đã bị hao mòn đáng kể do đại dịch Covid-19.

Khi thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa hè, các quốc gia ở Bắc Bán cầu chuẩn bị bước vào giai đoạn thời tiết cực đoan ở mức cao nhất. Ấn Độ và Bangladesh vừa mới hứng chịu cơn bão lớn đầu tiên trong năm nay, đó là Siêu bão Amphan - một trong những cơn bão mạnh nhất khu vực từng được ghi nhận.

“Siêu bão Amphan làm trầm trọng hơn ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng như các biện pháp phong toả và giãn cách xã hội. Mặc dù Bangladesh có hệ thống cảnh báo bão và hệ thống nhà trú bão đáng nể, nhưng ở những nơi trú ẩn này, việc thực hành giãn cách xã hội là gần như bất khả thi,” TS Saleemul Huq, Giám đốc Trung tâm Quốc tế về Biến đổi và Phát triển Khí hậu, Bangladesh, cho biết.

Hình ảnh vệ tinh siêu bão cấp 5 Amphan vào thứ Hai tuần này.

Nguy cơ nhiệt cực đoan cũng sẽ gia tăng trong mấy tháng tới, khi nhiệt độ cao nhất ở Bắc Bán cầu thường rơi vào tháng 7 và tháng 8, và các vụ hoả hoạn nghiêm trọng thường bắt đầu vào cùng thời điểm đôi khi kéo dài liên tục trong nhiều tháng.

Các khu vực khác trên thế giới như Nam Bán cầu cũng đang đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan: một số khu vực ở Đông Phi bị mưa lớn, lũ lụt và lở đất tàn phá, trong khi dịch châu chấu với hàng trăm tỷ cá thể đang hoành hành ở nhiều nơi trong khu vực và lan rộng tới các nước Nam Á và Trung Đông. Hay như mùa bão ở Mỹ và vùng Caribbean sẽ bắt đầu vào ngày 1/6 tới, và các nhà dự báo khí tượng đã cảnh báo các cơn bão năm nay có thể tồi tệ hơn mọi năm.

Năm 2020 được dự báo sẽ là năm nóng nhất lịch sử thế giới. Mạng lưới Thông tin Nhiệt độ Sức khỏe Toàn cầu, cùng với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), tuần qua đã đưa ra hướng dẫn khẩn cấp về cách xử lý ảnh hưởng kết hợp của sóng nhiệt và Covid-19.

Mùa sóng nhiệt, bão xoáy nhiệt đới và hỏa hoạn năm nay có thể trở nên nguy hiểm hơn khi ở một số quốc gia, các dịch vụ y tế khẩn cấp sau một thời gian dài oằn mình chống dịch không còn sức đối phó với nhu cầu cấp cứu tăng vọt do thiên tai. Thiệt hại kinh tế do đại dịch cũng có thể làm giảm khả năng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan trong năm nay của chính quyền.

"Khả năng chống chịu của chúng ta đã bị hao mòn đáng kể do đại dịch," GS Michael Mann, Giám đốc Trung tâm Khoa học Hệ thống Trái đất, Đại học Bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, nhận định.

Các chuyên gia cho rằng, chính quyền địa phương và quốc gia ở những nơi có nguy cơ xảy ra các sự kiện cực đoan nên khẩn trương chuẩn bị và truyền đạt kế hoạch bảo vệ người dân khỏi các thảm họa thời tiết, đồng thời đảm bảo không để các nỗ lực chống đại dịch suy yếu.

Nguồn:

Media Climate Net, Global Heat Health Information Network