Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết, nhân loại đang tàn phá quá mức thiên nhiên gây thiệt hại to lớn về kinh tế, đồng thời đẩy nhanh sự hủy diệt sự sống trên Trái đất.
Guterres đưa ra cảnh báo này tại thời điểm Liên Hợp Quốc (UN) công bố báo cáo nêu ra ba vấn đề khẩn cấp mà thế giới đang phải đối mặt: khủng hoảng khí hậu, tàn phá động vật hoang dã và thiên nhiên, và ô nhiễm gây ra nhiều triệu người chết sớm mỗi năm.
Guterres cho biết sống hòa bình với thiên nhiên là nhiệm vụ hàng đầu của những thập kỷ tới và là chìa khóa cho một tương lai thịnh vượng và bền vững cho tất cả mọi người. Báo cáo mới của UN kết hợp các bản đánh giá gần đây của Liên hợp quốc với các nghiên cứu và giải pháp mới nhất, tạo ra một bản thiết kế về cách chúng ta có thể sửa chữa hành tinh.
Báo cáo cho biết các xã hội và nền kinh tế phải được chuyển đổi bằng các chính sách như thay thế GDP - một thước đo kinh tế bằng một thước đo khác phản ánh giá trị thực của tự nhiên.
Hình minh họa. Nguồn: AFP via Getty
Báo cáo cho biết cần phải đánh thuế phát thải carbon, và cần cắt giảm hàng nghìn tỷ đô la tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch và canh tác phá hoại, chuyển tài trợ đó sang sản xuất thực phẩm và năng lượng xanh. Cũng cần những thay đổi mang tính hệ thống: người dân ở các quốc gia giàu có có thể hành động bằng cách cắt giảm tiêu thụ thịt và hạn chế lãng phí năng lượng và nước.
"Nhân loại đang gây chiến với thiên nhiên. Đây là hành động vô nghĩa và tự sát," Guterres nói. "Hậu quả là sự đau khổ của con người, thiệt hại kinh tế cao ngất ngưởng và sự xói mòn sự sống trên Trái đất."
Ba tình trạng khẩn cấp báo cáo UN nêu ra đang đe dọa khả năng tồn tại của loài người, Guterres nói. "Hòa bình với thiên nhiên, đảm bảo sức khỏe thiên nhiên và xây dựng dựa trên những lợi ích mà nó mang lại là chìa khóa cho một tương lai thịnh vượng và bền vững cho tất cả mọi người."
Inger Andersen, người đứng đầu Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (Unep), cho biết: "Chúng ta không cần nhìn xa hơn đại dịch toàn cầu Covid-19, một căn bệnh lây truyền từ động vật sang người, để biết rằng hệ thống điều chỉnh của thế giới tự nhiên đã bị phá vỡ." Unep và Tổ chức Y tế Thế giới cho biết nguyên nhân sâu xa của đại dịch là sự tàn phá thế giới tự nhiên, và những đợt bùng phát tồi tệ hơn sẽ xảy ra trừ khi chúng ta hành động.
Báo cáo của UN cho biết sự tăng trưởng gấp 5 lần của nền kinh tế toàn cầu trong 50 năm qua phần lớn được thúc đẩy bởi gia tăng khai thác nhiên liệu hóa thạch và các nguồn tài nguyên khác, đổi lại phải trả giá rất lớn cho môi trường. Dân số thế giới đã tăng gấp đôi kể từ năm 1970 và trong khi mức độ thịnh vượng trung bình cũng tăng gấp đôi, 1,3 tỷ người vẫn trong tình trạng nghèo đói và 700 triệu người không đủ ăn.
Báo cáo đánh giá rằng các biện pháp chúng ta đang thực hện là không đủ để giải quyết các cuộc khủng hoảng môi trường: thế giới vẫn trên đà nóng lên 3 độ C so với mức tiền công nghiệp, một triệu loài đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng và 90% người dân sống với không khí bẩn.
Giáo sư Robert Watson, người đã dẫn đầu các đánh giá khoa học của UN về khí hậu và đa dạng sinh học và là tác giả chính của báo cáo, cho biết: "Chúng ta có ba tình trạng khẩn cấp và ba vấn đề này đều có mối quan hệ với nhau và phải được giải quyết cùng nhau. Chúng không còn chỉ là các vấn đề môi trường - chúng là các vấn đề kinh tế, vấn đề phát triển, vấn đề an ninh, các vấn đề xã hội, đạo đức."
"Chúng ta phải thực sự suy nghĩ lại về hệ thống kinh tế và tài chính của mình. Chúng ta cần phải loại bỏ những khoản trợ cấp sai trái [cho nhiên liệu hóa thạch], chiếm hàng nghìn tỷ USD một năm, và chuyển tài trợ này sang công nghệ carbon thấp và đầu tư vào tự nhiên".
Điều này liên quan các công ty và quốc gia có lợi ích về nhiên liệu hóa thạch, Watson nói: "Có rất nhiều người thực sự thích những khoản tài trợ này. Họ yêu thích hiện trạng hiện nay. Vì vậy, các chính phủ phải có can đảm để hành động."
Watson cho biết, các tổ chức tài chính có thể đóng một vai trò to lớn bằng cách chấm dứt tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch, chặt phá rừng và nông nghiệp độc canh quy mô lớn. Các công ty cũng nên hành động, Watson nói: "Các công ty tiên phong nên thấy rằng nếu họ có thể trở nên bền vững, họ có thể là những người đi đầu và tạo ra lợi nhuận. Nhưng chắc chắn cũng sẽ cần có quy định pháp lý đối với những công ty không quan tâm đến môi trường."
Nguồn:
https://www.theguardian.com/environment/2021/feb/18/human-destruction-of-nature-is-senseless-and-suicidal-warns-un-chief