Covid đã đem lại một cú hích khiến công nghệ sinh học phát triển nhanh hơn và đóng góp rõ rệt cho nền kinh tế.
Dr. Werner Lanthaler, chủ tịch Hội đồng quản trị của Evotec (doanh nghiệp công nghệ sinh học do Manfred Eigen, người từng được giải thưởng Nobel hóa học cùng các nhà khoa học khác thuộc Viện Max-Planck về hóa lý sinh ở Göttingen thành lập) chia sẻ về tương lai của ngành công nghệ sinh học.
Covid đã cho thấy thế giới cần công nghệ sinh học như thế nào. Tuy nhiên tại Hội nghị thượng đỉnh kỹ thuật số của Chính phủ Đức hồi tháng 12 thủ tướng Angela Merkel đã nói rằng, thật là một “sự may mắn” lớn khi đã có những nhà đầu tư tìm đến với Biontech và Curevac (các doanh nghiệp phát triển vaccine Covid). Những vấn đề về chính sách quan trọng như vậy có thể coi là có tính cơ may ư?
Không, tất nhiên là không rồi. Nhưng mà quả thực nỗi sợ trước rủi ro vẫn còn lớn lắm, [các nhà đầu tư ] thà hỗ trợ cho những công nghệ đã có sẵn để trước mắt tạo ra thêm hay duy trì được việc làm còn hơn là đầu tư cho những công nghệ của tương lai.
Người ta xây một nhà máy chế tạo ô tô mới và biết sẽ có thêm 100 chỗ làm việc mới ở đó. Điều này, xét về chính sách, thật rất hấp dẫn và sẽ được sự hưởng ứng nhiệt liệt. Đối với công nghệ sinh học thì không thể có chuyện đó, bởi vì không tài nào dự báo, khi nào sẽ tạo ra được một sự đột phá, điều này nhiều khi mất hàng chục năm trời. Ví dụ như đối với vaccine – mRNA chẳng hạn.
Nhà sinh học Ingmar Hoerr đã phát hiện công nghệ này từ năm 1999 khi làm luận án tiến sỹ.
Như vậy là mất hơn 20 năm. Nếu tạo ra một sự đột phá thì tiềm năng thành công sẽ thực sự vang dội, như người ta chứng kiến hiện nay ở Biontech. Khi đó doanh nghiệp có cơ may đến một lúc nào đó sẽ có thêm hàng chục nghìn lao động. Nhưng rủi ro luôn hiện hữu.
Ý tưởng về một ngành công nghiệp có khả năng bị thất bại trước sau vẫn khó được ái mộ. Cái lợi trước mắt vẫn hấp dẫn hơn. Có thể sẽ có [nhà đầu tư ] suy nghĩ lại, nhưng điều này vô cùng khó vì nó đi ngược lại hoàn toàn với thói quen cố hữu của chúng ta về chính sách phát triển công nghiệp.
Vậy thì người ta rút ra được bài học gì từ thành công của Biontech, Curevac và Evotec trong việc sản xuất các sản phẩm chống Covid nhanh chóng?
Biontech không phải là điều gì mới mẻ ở nước Đức, chúng ta có hàng trăm doanh nghiệp công nghệ sinh học – mới là ở chỗ ngày nay ngành này được quan tâm nhiều hơn. Trước đây chưa có cái nhìn đó bởi lẽ nhiều doanh nghiệp thành công người Mỹ đã mua hết, thí dụ như Amgen mua Micromet chẳng hạn. Mô hình kinh doanh này không có gì là xấu: mua khoa học xuất sắc của Đức để rồi thương mại hóa chúng.
Evotec phát triển các kháng thể chống Covid và nhận được đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ảnh: DDW
Nghe rất chi là đau xót.
Không, hoàn toàn không. Thậm chí tôi còn đầy lạc quan nhìn vào tương lai, bởi vì đại dịch này cho chúng ta thấy những vấn đề nan giải, to lớn chỉ có thể giải quyết bằng khoa học.
Trong tương lai công nghiệp công nghệ sinh học sẽ đứng ở vị trí thứ hai, chỉ sau công nghiệp chế tạo ô tô.
Ông có cảm giác ngày nay công nghệ sinh học sẽ được hết sức quan tâm trong tương lai, nó không còn là một sự cầu may nữa?
Rõ ràng hiện nay yêu cầu hỗ trợ tốt hơn nữa cho ngành công nghiệp này là rất lớn. Nhưng đó chẳng qua chỉ là những mong muốn tầm thường và với cái nhìn có phần thiển cận. Vấn đề không phải là chi thêm hay bỏ bớt 100 triệu, điều quan trọng hơn nhiều là làm thế nào để kết nối tốt hơn nữa giữa nghiên cứu khoa học cơ bản mang tính hàn lâm với thực tiễn sản xuất.
Phải xây dựng những cầu nối như vậy như thế nào?
Chúng ta cần có một hệ thống thử và sai tốt hơn (Trial-and-Error-System), cần tạo ra một sự “thẩm thấu” tốt hơn giữa khoa học và công nghiệp. Ở Mỹ một giáo sư có thể nhất thời rời trường đại học, thành lập một doanh nghiệp công nghệ sinh học, nếu bị thất bại, vị giáo sư đó lại có thể trở về trường tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu cao quý của mình. Chuyện đó là điều không thể có ở nước Đức.
Ở Mỹ tiền của tư nhân hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học không nhỏ. Cũng có thể vì bên Mỹ phân bổ hỗ trợ công cộng khác với ở nước ta. Nhưng các vị hãy tưởng tượng khi 3000 người giàu có nhất nước ta không chỉ mở một bộ sưu tập nghệ thuật mà khởi đầu cho một sáng kiến về y học thì sẽ tạo ra một động lực như thế nào đối với nước Đức.
Tóm lại cần sự đầu tư rất lớn cho công nghệ sinh học?
Phải nói đây là một chủ đề cho châu Âu, chứ không chỉ một nước nào. Chỉ qua con đường kề vai sát cánh với nhau. Chỉ có như thế châu Âu mới có thể tham gia cạnh tranh toàn cầu với Mỹ hay Trung Quốc.
Nguồn:https://www.wiwo.de/unternehmen/industrie/evotec-chef-lanthaler-eine-vw-produktionsstrasse-ist-20-mal-komplexer-als-t-zellen-zu-isolieren/26889738-2.html