Ở Ấn Độ, khoảng 200.000 lao động ngoại tỉnh được phép trở về quê hương bản quán. Tuy nhiên, họ buộc phải tuân thủ một số quy định, bao gồm cung cấp dữ liệu liên lạc, giấy chứng nhận sức khỏe và trả thêm tiền tàu xe.

Lao động ngoại tỉnh Ấn Độ ở Uttar Pradesh đang trên đường trở về nhà.

Hàng nghìn lao động nhập cư đứng chen chúc trước trạm cảnh sát ở khu ổ chuột Dharavi thuộc Mumbai, với mong muốn đăng ký được một suất trở về quê nhà. Phần lớn trong số họ là nam giới, những thanh niên trai tráng. Khu ổ chuột lớn nhất thành phố này có khoảng 200.000 dân, nhưng không nhiều người có được chỗ ở ổn định, nhất là trong tình hình dịch bệnh căng thẳng.

Sau nhiều ngày bị cách ly, hàng nghìn lao động nhập cư Ấn Độ không có mong muốn gì hơn là được nhanh chóng trở về với gia đình. Nhưng không phải cứ xếp hàng đăng ký là được trở về ngay, trước tiên họ phải nộp một số dữ liệu để liên lạc, sau đó là trả thêm tiền tàu xe – do các quy định về giãn cách, và cuối cùng là phải có giấy chứng nhận sức khỏe. Chính vì thế, trước các phòng khám y tế gần khu ổ chuột, người xếp hàng cũng rất đông.

Dù chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu chính quyền thành phố tổ chức cho những lao động ngoại tỉnh bị mắc kẹt được về nhà. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp không quan tâm đến việc để lao động giá rẻ này ra đi.

Tăng giãn cách có nghĩa chở được ít hành khách hơn

Thời gian đầu phương tiện giao thông chỉ có xe buýt. Tuy nhiên từ khi có dịch, chính phủ quy định các xe không được vận chuyển quá 20 hành khách, dẫn đến lượng xe không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Trải qua một cuộc thương lượng, xe lửa của nhà nước chính thức được đưa vào hoạt động. Trong năm ngày đầu tiên, 70 chuyến tàu đặc biệt đã vận chuyển hơn 80.000 lao động bị mắt kẹt về quê nhà.

Tuy vậy, không dễ để mua vé tàu, vì các tuyến đường sắt chỉ vừa quay lại hoạt động sau nhiều tuần. Ngoài ra, vì số lượng hành khách mỗi toa bị hạn chế nên giá vé tăng – có khi bằng mấy ngày lương của người lao động. Trên các toa tàu đều có cảnh sát túc trực để kiểm tra việc thực hiện giãn cách. Nhiều người vì không mua nổi vé nên đành lội bộ.

“Tôi không ngờ tình hình lại có thể bi đát đến như vậy”, anh Hemraj, 29 tuổi, một người chạy xích lô nói với vẻ thất vọng. Anh chỉ muốn rời khỏi Mumbai càng sớm càng tốt. Anh bị kẹt ở đây từ khi Ấn Độ ban hành lệnh giới nghiêm vào ngày 25.3, và anh cũng chính thức thất nghiệp kể từ thời gian đó.

Bà Jayati Ghosh, giáo sư kinh tế thuộc trường Đại học Jawaharlal Nehru ở New-Delhi cho rằng lệnh giới nghiêm được ban hành quá đột ngột, khiến nhiều người không kịp lên đường về nhà.

Bà nói với phóng viên tờTAZ rằng Ấn Độ đã chọn cách làm cứng rắn. “Chúng ta không thể cứ tự dưng mà yêu cầu: ‘Các người không được làm việc nữa’, trong khi không hề đưa ra một sự hỗ trợ tài chính nào”. Bà Ghosh phê phán việc bắt người lao động tự chi trả vé tàu xe trong khi họ đã cạn kiệt tiền vì dịch bệnh.

Ngoài ra số lượng lao động Ấn Độ bị kẹt ở nước ngoài cũng rất lớn. Chính phủ đã tổ chức những chuyến bay đưa người lao động làm việc ở 12 quốc gia trở về quê hương. Số lao động này sẽ phải bị cách ly hai tuần. Đặc biệt, trong máy bay có khu vực dành riêng cho bệnh nhân có triệu chứng lây nhiễm corona.

Điều quan trọng là được trở về nước

Đã có khoảng 1.000 công dân Ấn Độ làm việc tại Maldives và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất trở về nước bằng tàu thủy của quân đội. Ngay từ khi chưa có lệnh giới nghiêm, đã có hàng nghìn lao động Ấn Độ làm thuê tại các nước Vùng Vịnh về nước bằng máy bay. Vẫn còn một hàng dài người chờ đợi để về quê nhà. Riêng tại Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, đã có 200.000 người đến Đại sứ quán Ấn Độ để đăng ký trở về nước.

Theo Centre for Monitoring Indian Economy (CMIE), trong tháng ba và bốn đã có 114 triệu lao động Ấn Độ rơi vào cảnh mất việc làm. Đảng Quốc Đại – đảng đối lập chính ở Ấn Độ – hứa sẽ chi trả tiền vé tàu xe cho những lao động bị kẹt muốn trở về quê hương.

Mặc cho tình hình căng thẳng lúc này, đối với Hemraj thì điều anh quan tâm nhất vẫn là được gặp lại cha mẹ mình.