Tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau nhóm opiod có liên quan đến việc tỷ lệ người Mỹ ở độ tuổi lao động chủ chốt (từ 25 đến 54 tuổi) có việc làm hoặc đang tìm việc làm thấp hơn nhiều so với những nền kinh tế phát triển khác.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn báo cáo mới được Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 6/6 cho biết tỷ lệ người Mỹ ở độ tuổi trên trong lực lượng lao động đã giảm mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính, xuống tới mức 80,7% trong quý III/2015 và mới nhích đôi chút lên 81,7% trong quý cuối cùng của năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ này ở 53 nước thuộc OECD cộng lại, gồm cả Mỹ, Anh và Nhật Bản, trong quý nói trên là 85,5%.
Báo cáo cũng xác định một số yếu tố kìm hãm người Mỹ ở độ tuổi "vàng" tham gia lực lượng lao động và lưu ý có sự chênh lệch đáng kể giữa các bang tùy theo đặc điểm địa lý và nhân khẩu học. Đơn cử, hồi tháng 12 năm ngoái, tỷ lệ trên ở bang Tây Virginia chỉ đạt 53% trong khi ở bang Bắc Dakota là 71%. Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh sự liên quan giữa việc lạm dụng thuốc giảm đau nhóm opiod với các điều kiện của thị trường lao động, theo đó, nhìn chung số đơn thuốc opiod càng nhiều thì tỷ lệ người dân tham gia lực lượng lao động càng thấp.
Báo cáo lưu ý số đơn thuốc opiod tính trung bình đầu người tại Mỹ "cao hơn đáng kể" so với các quốc gia khác trong OECD.
Trước đây cũng đã có một số nghiên cứu chỉ ra sự liên quan giữa việc lạm dụng thuốc giảm đau và tỷ lệ người lao động ở độ tuổi vàng "chịu" đi làm. Theo nhà kính tế Alan Krueger thuộc Trường đại học Princeton, xu hướng gia tăng số đơn thuốc giảm đau trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến 2005 là nguyên nhân khiến tỷ lệ nam giới ở độ tuổi 25-54 tham gia lực lượng lao động giảm 20% và nữ giới ở độ tuổi này giảm 25%.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), việc lạm dụng thuốc giảm đau Opioid có thể khiến Mỹ tiêu tốn 78,5 tỷ USD mỗi năm. Khoản tiền này bao gồm cả chi phí liên quan đến chăm sóc sức khỏe, mất năng suất lao động và các hoạt động tội phạm./.
Theo Vietnamplus