Hoạt động nhập khẩu rác thải nhựa được chứng minh là có liên quan đến mức độc tố cực cao xâm nhập vào chuỗi sản xuất thực phẩm tại Indonesia.


Một người đàn ông đốt rác nhựa nhập khẩu tại một bãi rác ở Mojokerto, tỉnh Đông Java, Indonesia. Nguồn: The Guardian
Một người đàn ông đốt rác nhựa nhập khẩu tại một bãi rác ở Mojokerto, tỉnh Đông Java, Indonesia. Nguồn: The Guardian.

Đó là kết luận từ báo cáo do các chuyên gia của Mạng lưới Sức khỏe môi trường toàn cầu (IPEN), kết hợp với Hiệp hội Arnika (CH Czech) và nhiều tổ chức dân sự khác tại tỉnh Đông Java, Indonesia, thực hiện.

Nghiên cứu cho thấy các mẫu trứng gà được lấy quanh các địa điểm nơi tích tụ rác thải nhựa có hàm lượng dioxin và polychlorin biphenyl (PCB) đáng báo động. Các chất hóa học này từ lâu được công nhận là cực kỳ gây hại cho sức khỏe con người.

Ở một địa điểm, nồng độ điôxin đo được trong trứng thu thập gần một nhà máy đốt rác nhựa ở Indonesia là (200 pg TEQ g-1 chất béo) tương đương nồng độ dioxin thu được gần điểm nóng chất độc da cam khét tiếng ở Biên Hòa-Việt Nam (248 pg TEQ g-1 chất béo), nơi được coi là một trong những địa điểm bị ô nhiễm dioxin nặng nhất trên thế giới.

Cũng theo nghiên cứu, riêng việc một người trưởng thành ăn một quả trứng từ một con gà thả rông tại khu vực lân cận xưởng sản xuất đậu phụ ở Tropodo sẽ vượt quá 7 lần ngưỡng dioxin clo hóa được cho phép tiêu thụ hàng ngày của Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập mẫu trứng từ gà không nuôi nhốt từ hai địa điểm Bangun và Tropodo ở Đông Java. Số trứng sau đó được phân tích và xác định có chứa các hóa chất bị cấm rất nguy hiểm bao gồm cả điôxin, chất chống cháy và chất độc hóa học “vĩnh viễn” là axit perfluorooctanesulfonic (PFOS).

Nhiều nghiên cứu đã liên kết các hóa chất được tìm thấy trong trứng gà với một loạt các tác động lên sức khỏe con người. Phơi nhiễm dioxin có liên hệ đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng, gồm bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường và lạc nội mạc tử cung. Các chất chống cháy, parafin clo hóa chuỗi ngắn và ête diphenyl polybrominat có tác hại làm rối loạn chức năng nội tiết và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe sinh sản.

Trong khi đó, PFOS gây hại cho các cơ quan sinh sản và hệ miễn dịch, và các tài liệu nội bộ của các công ty hóa chất cho thấy các nhà sản xuất đã biết về các độc tính này từ nhiều thập kỷ trước, nhưng vẫn tiếp tục việc sản xuất và bỏ qua các cảnh báo đó.

Lee Bell, đồng tác giả của báo cáo, cho biết: “Nghiên cứu đã rõ ràng chỉ ra rằng ô nhiễm nhựa làm tổn hại sức khỏe con người và môi trường không chỉ từ chính khối lượng rác thải nhìn thấy được mà còn từ việc ô nhiễm các chất hóa học vô hình trong nhựa hay được tạo ra khi đốt nhựa.”

Các nhà hoạt động biểu tình chống lại rác thải nhựa nhập khẩu gần tòa Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Surabaya, tỉnh Đông Java, Indonesia. Nguồn: The Guardian
Các nhà hoạt động biểu tình chống lại rác thải nhựa nhập khẩu gần tòa Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Surabaya, tỉnh Đông Java, Indonesia. Nguồn: The Guardian

Nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên giúp chứng minh tình trạng ô nhiễm xâm nhập chuỗi thực phẩm ở khu vực Đông Nam Á, với hàm lượng các hóa chất độc hại tập trung do hậu quả của thiếu quản lý trong nhập khẩu và xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa.

Vùng Đông Java là một trong những khu vực đang bị tràn ngập bởi rác nhựa nhập khẩu – kể từ khi Trung Quốc từ chối nhập khẩu các loại rác này hồi năm 2018.

Ngược lại với Trung Quốc, tổng lượng nhập khẩu rác nhựa của Indonesia đã tăng gấp đôi từ giữa năm 2017 đến 2018. Người dân ở một số khu vực đốt rác để tránh rác thải vây kín nhà cửa và đường phố. Tại Tropodo, việc đốt rác giúp cung cấp năng lượng cho các xưởng đậu phụ địa phương.

“Chất thải nhựa là một vấn đề ô nhiễm hóa chất độc hại nghiêm trọng,” theo bà Yuyun Ismawati, đồng sáng lập Nexus3, một trong những tổ chức phi chính phủ Indonesia tham gia nghiên cứu. “Mong rằng kết quả của chúng tôi sẽ gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với các cộng đồng đang vật lộn đối phó với làn sóng rác thải nhựa. Các nước phát triển cần phải dừng việc coi các nước đang phát triển là thùng rác của mình.”

Lee Bell cũng cho biết: “Những phát hiện rõ ràng này cho thấy sự nguy hiểm của nhựa đối với sức khỏe con người và các nhà hoạch định chính sách cần phải có kế hoạch để ngăn chặn việc đốt rác thải nhựa, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường và kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động nhập khẩu.”

Thêm vào đó, hành động cũng cần phải đến từ chính các nhà sản xuất sản phẩm nhựa, Jindrich Petrlik (Hiệp hội Arnika), đồng tác giả báo cáo, nói. “Giảm sản xuất nhựa và độc tính của vật liệu nhựa thực sự là lựa chọn duy nhất cho một tương lai không độc tố.”

Nguồn: