Một loạt các biện pháp mạnh tay đã được chính phủ nhiều nước Đông Nam Á áp dụng nhằm làm chậm đà lây lan của Covid-19.

Cảnh sát lập chốt đo thân nhiệt tại San Mateo, Philippines vào thứ 2, một ngày sau khi chính phủ ra lệnh giới nghiêm để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. Nguồn: Jes Aznar/The New York Times

Bắt đầu từ cuối tháng 2, dịch COVID-19 bước vào giai đoạn bùng phát thứ hai khi tâm dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước Châu Âu và Hoa Kỳ. Cùng thời điểm này, các nước trong khu vực Đông Nam Á (ĐNA) bắt đầu chứng kiến số ca nhiễm trong nước tăng đột biến.

Giai đoạn mới, ổ dịch tiềm ẩn

Sự kiện “tabligh” tại nhà thờ Hồi giáo Sri Petaling, Kuala Lumpur chính thức được biết đến như là ổ dịch trong nước đầu tiên và lớn nhất của Malaysia, kéo dài từ ngày 27/2 đến 1/ 3 với sự tham gia của 16.000 người, ca nhiễm đầu tiên được xác nhận vào ngày 12/3, và con số tăng liên tục trong các ngày tiếp theo. Dù vẫn chưa rõ nguồn mang bệnh, sự kiện này giờ chiếm đến gần 2/3 số ca (428) trên tổng số 673 ca nhiễm COVID-19 tại Malaysia.

Trong 3 ngày liên tiếp, Malaysia có số ca nhiễm COVID-19 ở mức 3 con số, hiện tại là 673 ca, đứng đầu khu vực. Số lượng người mắc bệnh đang bị lo ngại có thể tiếp tục tăng, khi mà hiện tại mới chỉ có một nửa số người tham gia sự kiện nói trên nghe theo lời kêu gọi ra trình diện các cơ quan y tế.

Mạng xã hội chia sẻ hình ảnh hàng trăm tín đồ ngồi sát nhau và nắm tay nhau sau khi cầu nguyện. “Chúng tôi ngồi rất gần nhau,” một tín đồ người Campuchia nói sau khi nhập viện tại tỉnh Battambang vì dương tính với COVID-19: “Khi tôi gặp mọi người, tôi bắt tay họ. Tôi không biết rằng như vậy sẽ khiến mình nhiễm bệnh.” Một bệnh nhân khác cũng cho biết rằng các tín đồ cũng dùng chung đĩa với nhau khi ăn.

Nhiều nhà quan sát bất ngờ với việc chính quyền Malaysia đã không có yêu cầu giới hạn hoạt động cầu nguyện đông người từ sớm sau một loạt các sự cố xảy ra tại Hàn Quốc hay Iran. “Họ thật thiếu trách nhiệm khi để sự kiện được tiếp tục,” nhà ngoại giao Singapore Bilahari Kausikan bình luận trên trang cá nhân. Trong khi đó, với 1500 tín đồ tham dự đến từ nước ngoài (có Việt Nam), nguy cơ Sri Petaling trở thành ổ dịch của khu vực đang hiện hữu, với 3 ca được phát hiện tại Brunei và 11 ca tại Campuchia tính đến ngày 17/3.

Trong khi đó, cũng từ đầu tháng 3, tình hình dịch COVID-19 cũng chuyển biến xấu tại Philippines và Indonesia. Indonesia sau một thời gian dài không có ca nhiễm hiện đã có 172 ca với 7 ca được xác nhận tử vong. Các ca nhiễm đã xuất hiện ở khắp các thành phố lớn trên đảo Java và đảo Bali – một địa điểm du lịch nổi tiếng. Cũng đến ngày 14/3, báo chí đưa tin việc Bộ trưởng Giao thông Budi Karya Sumadi đã dương tính với virus khi đi thị sát tình hình ứng phó với dịch bệnh.

Tại Philippines, chỉ sau 10 ngày, số ca nhiễm đã tăng thêm hơn 160 ca, trong đó đã có 12 ca tử vong. Phần lớn số ca nhiễm tập trung vào khu vực thủ đô Manila và phụ cận. Một loạt các ca nhiễm mới giờ không thể xác định lịch sử dịch tễ đặt ra nghi ngờ rằng nhiều khu vực trong nước đã xuất hiện các ổ dịch ngầm chưa được phát hiện. Giới chức y tế cũng gặp khó khăn trong việc khoanh vùng dịch khi nhiều trường hợp người dân nói dối để trốn tránh kiểm tra y tế, mặt khác, việc cách ly chỉ được mở rộng đến các trường hợp có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.

Lệch pha trong phản ứng

Hàng chục người xếp hàng trước quầy vé tại sân bay Ninoy Aquino – Manila hôm 13/3 tìm cách rời Manila để tránh lệnh phong tỏa thành phố mới được Tổng thống Duterte ban hành. Ảnh: Inoue Inoue Jaena/Rappler.

Nếu như Việt Nam và Singapore tiếp tục kế hoạch cách ly và kiểm soát dịch gắt gao, thì trong tuần này Malaysia và Philippines đã bắt đầu thực thi các biện pháp đóng cửa và phong tỏa trên quy mô lớn.

Theo sau sự kiện tại Sri Petaling, thứ hai vừa rồi (ngày 16/3), Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin tuyên bố việc áp đặt một loạt quy định mới chặt chẽ chưa từng có: cấm tụ tập đông người, đóng cửa toàn bộ trường học, cơ sở tôn giáo và hoạt động kinh doanh ngoại trừ các chợ và siêu thị, lệnh cấm công dân Malaysia ra nước ngoài cũng như giới hạn nhập cảnh vào Malaysia, trong khi mọi hoạt động giao thông liên tỉnh đều bị đình chỉ. “Chúng ta đã nhìn thấy số ca nhiễm ở rất nhiều nước đã tăng nhanh đến thế nào và chúng ta không muốn điều tương tự lặp lại [tại Malaysia]. Bởi vậy, kiểm soát đi lại của người dân và cách duy nhất để ngăn việc có thêm người nhiễm bệnh,” ông Muhyiddin phát biểu trên truyền hình, nói thêm rằng các biện pháp này sẽ kéo dài đến hết ngày 31/3.

Trong khi đó, phản ứng của Philippines tỏ ra bất cập và thiếu đồng bộ hơn. Theo sau số ca nhiễm leo thang tại thủ đô Manila, tối ngày 12/3 Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bất ngờ thông báo việc từ ngày 15/3 sẽ “đóng cửa” mọi hoạt động cơ quan công sở, cũng như ngừng mọi kết nối giao thông nối Vùng Thủ đô Metro Manila với phần còn lại của đất nước. Thời gian ba ngày sau tuyên bố tạo ra cảnh tượng hỗn loạn tại Manila: hàng nghìn người dân đổ ra các bến tàu xe tìm cách rời khỏi thủ đô. Tình hình mất kiểm soát buộc chính quyền Duterte “chữa cháy” bằng cách cho quân đội áp đặt lệnh giới nghiêm ngay trong cuối tuần – và đến thứ 2, ông Duterte tổ chức cuộc họp báo mới tuyên bố sẽ phong tỏa (“cách ly tăng cường”) toàn bộ đảo Luzon – hòn đảo lớn nhất Philippines có thủ đô Manila – với một nửa dân số cả nước được yêu cầu ở tại nhà, không di chuyển hay đi làm trừ trường hợp bất khả kháng đến hết ngày 12/4. “Đây là vấn đề sống còn của quốc gia. Đây là vấn đề sống chết nên chúng ta sẽ buộc phải hi sinh,” người phát ngôn Phủ Tổng thống Salvador Panelo giải thích với báo giới.

Sẽ có nhiều người dân không cùng quan điểm với ông Panelo. Kế hoạch của chính quyền bỏ qua thực tế là 27,2 triệu người dân (hay 64% dân số có việc làm) chỉ có việc làm mùa vụ hay hợp đồng ngắn hạn (theo số liệu năm 2019 của Quỹ IBON – một thinktank kinh tế tại Philippines). Thêm vào đó, nỗi lo về việc các khu đông dân cư như khu ổ chuột Baseco (Tondo, Manila) – có mật độ dân cư lên đến 60.000 người/km2 có thể trở thành ổ dịch đặt ra nguy cơ nghiêm túc về khả năng mất kiểm soát dịch bệnh. So với với tình hình tại Singapore, nơi chính phủ đề xuất hỗ trợ 50 SG$ cho bất kỳ lao động nước ngoài không thể rời đảo quốc vì dịch bệnh, khiến những biện pháp cho cảm giác như phản ứng của một nhà độc tài quân sự hơn là một đối phó có tính toán.

Một trong những vấn đề lớn đe dọa đến triển vọng phòng chống dịch tại Philippines đế từ việc nước này không có hệ thống trang thiết bị y tế đồng bộ trên cả nước. Báo cáo gần đây của WHO cũng chỉ ra rằng phần lớn số giường bệnh tập trung ở vùng thủ đô Manila và đảo Luzon, trong khi số giường bệnh tại các đảo khác đều rất thiếu: “So với trung bình 23 giường trên 10.000 dân tại Vùng thủ đô thì các đảo Luzon, quần đảo Visaya và đảo Midanao chỉ có trung bình 8,2; 7,8 và 8,3 giường”. Chất lượng dịch vụ y tế cũng rất chênh lệch giữa các bệnh viện công và bệnh viện tư nhân.

Nguồn cung cấp bộ kit xét nghiệm virus Sars-nCov-2 cũng là một vấn đề nan giải khác. Ở thời điểm dịch bùng phát, bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque III đã phải thừa nhận họ không có khả năng xét nghiệm toàn bộ số ca nghi nhiễm do chỉ có đủ số bộ kit cần thiết cho 2000 người. Điều này dấy lên sự phẫn nộ trong dư luận cho đến khi bộ Y tế thông báo sẽ nhận thêm bộ kit từ WHO, Hàn Quốc và Trung Quốc. Thêm vào đó, các nhà khoa học tại Đại học Philippines (UP) trong tuần trước cũng tuyên bố đã phát triển thành công bộ kit nội địa với giá thành rẻ hơn nhiều (1500 peso so với 20.000 peso nếu nhập khẩu). Sau khi được phê duyệt, bộ kit sẽ được tung ra thị trường ngay trong tuần này.

Tương tự với Philippines, lo lắng gia tăng tại Indonesia khi nước này có tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 thuộc hàng thấp nhất khu vực, với chỉ 8,5 xét nghiệm thực hiện trên 1 triệu người. Trong một lá thư gửi Tổng thống Jokowi, thành viên Diễn đàn Nhà khoa học trẻ Indonesia kêu gọi chính phủ phải hành động mạnh mẽ hơn nữa: “Indonesia đang ở trong tình thế nguy hiểm vì hành động chậm trễ trong việc ngăn chặn sẽ làm dịch bệnh trở nên khó kiểm soát. Sự chậm trễ đó có thể khiến tình hình nước ta có thể giống như Italia hay Iran hay thậm chí tệ hơn.”

Chính quyền Indonesia đang bị chỉ trích do sự thiếu minh bạch trong thông tin về dịch bệnh. Hôm thứ sáu, Tổng thống Jokowi xác nhận hành động này, nhưng cho rằng ông làm vậy nhằm trấn an người dân: “Có những thông tin chúng tôi công khai nhưng cũng có tin chúng tôi không công khai vì tôi không muốn tạo ra lo lắng và hoảng loạn trong xã hội,” ông nói. Chính phủ Indonesia hiện tại vẫn từ chối việc thực hiện các biện pháp khẩn cấp như các nước láng giềng, như người phát ngôn Achmad Yurianto khẳng định: “Việc đóng cửa chưa phải là một lựa chọn.”

Số ca COVID-19 tại các nước Đông Nam Á trừ Việt Nam (tính đến 17h ngày 18/3)
Quốc giaSố ca nhiễmTử vong
Malaysia7902
Singapore2660
Indonesia22719
Thái Lan2121
Philippines20217
Brunei680
Campuchia350

Nguồn: Malay Mail, New Strait Times, The Strait Times, The Rappler, ABS-CBN, The New York Times.