Virus cúm gia cầm đang hoành hành trên khắp thế giới. Nguyên nhân có thể do virus có khả năng sản sinh nhanh hơn hoặc lây nhiễm trên nhiều loài chim hơn.

Mới đây, hàng chục con chim cánh cụt bị nhiễm cúm ở Nam Phi đã chết. Tuần trước, Hàn Quốc báo cáo phát hiện virus ở quần thể chim. Trong vài ngày qua, cả Pháp và Anh đều công bố các biện pháp an toàn sinh học mới vì dịch lây lan nhanh. Châu Âu ghi nhận tỷ lệ mắc cúm gia cầm cao nhất từ trước tới nay. Số lượng gia cầm đã chết trong năm qua cũng đạt mức kỷ lục ở Mỹ.

Giá gà tây ở Mỹ tăng cao ngay trước dịp Lễ tạ ơn do dịch cúm gia cầm.

Dịch cúm gia cầm ở châu Âu và Bắc Mỹ chủ yếu gây ra bởi chủng H5N1 - một trong số những chủng cúm gia cầm được phân loại là độc lực cao (HPAI), thường gây tử vong ở chim và gia cầm nhiễm bệnh.

Kể từ cuối thế kỷ XIX, châu Âu, châu Á và châu Phi đã có nhiều đợt bùng phát virus cúm gia cầm độc lực cao nhưng chủ yếu chỉ giới hạn ở gia cầm, không lây lan rộng sang các loài chim hoang dã nhờ tiêu hủy kịp thời các đàn gia cầm.

Nhưng kể từ đầu những năm 2000, cúm gia cầm được ghi nhận lây lan trong các loài chim hoang dã. Trong năm qua, mức độ lây nhiễm ở các loài chim hoang dã càng trở nên nghiêm trọng hơn. Cúm gia cầm dường như cũng đang lây lan sang cả các loài động vật có vú thường xuyên hơn so với trước đây.

“Có điều gì đó bất thường với loại virus này", Rebecca Poulson, nhà nghiên cứu bệnh động vật hoang dã tại Đại học Georgia ở Athens, cho biết.

Tình hình đang đặc biệt nghiêm trọng ở Bắc Mỹ. Những năm 2014-2016, khu vực này đã phát hiện một chủng virus cúm độc lực cao do các loài chim hoang dã mang bệnh bay từ Âu-Á sang Alaska. Dịch bệnh khi đó làm chết hơn 50 triệu con gia cầm tại Mỹ, gây thiệt hại khoảng 3 tỷ USD. Nhưng sau đó virus biến mất, theo Andy Ramey, nhà di truyền học động vật hoang dã tại Trung tâm Khoa học Alaska.

Tháng 12/2021, chủng virus cúm độc lực cao xuất hiện trở lại ở Bắc Mỹ, ở phía đông. Nhưng lần này virus không biến mất, mà lây lan không kiểm soát được ở các loài chim hoang dã, thay vì ở các trang trại gia cầm như lần trước.

Chưa rõ vì sao đợt bùng phát cúm gia cầm lần này chưa suy giảm như các lần trước đây, nhưng theo nhà virus học Louise Moncla tại Đại học Pennsylvania ở Philadelphia, chỉ ra hai giả thuyết hàng đầu: một là, các đột biến di truyền đã làm tăng khả năng sao chép của virus, giúp nó lây lan hiệu quả hơn các chủng trước đây; hoặc là các đột biến đã cho phép virus lây nhiễm sang nhiều loài chim hơn so với các chủng trước đây, nhờ đó lây lan rộng hơn và tồn tại lâu hơn.

Dòng virus độc lực cao đang bùng phát hiện nay dường như cũng có khuynh hướng nhảy sang các loài động vật có vú, chẳng hạn như hải cẩu, linh miêu và chồn hôi - mặc dù không có bằng chứng cho thấy nó có thể lây từ cá thể động vật có vú này sang động vật có vú khác.

Số ca bệnh ở người rất hiếm, ngay cả ở châu Âu - nơi thường xuyên bùng phát dịch bệnh gia cầm, tạo cơ hội cho virus lây nhiễm sang người. Vì thế Poulson hy vọng virus lần này chưa có đột biến giúp nó dễ lây nhiễm sang người dễ dàng hơn. "Nhưng chúng ta chưa biết chắc chắn", cô nói.

Vẫn chưa rõ bao giờ đợt bùng phát này sẽ biến mất, thậm chí có biến mất hay không. Ramey nói rằng những tuần tới có thể sẽ chứng kiến ​​virus lây lan rộng hơn nữa vì các loài chim đang tụ đàn để di cư cùng nhau.

Poulson cho rằng rất có thể virus đã vượt qua thời điểm mà nó có thể biến mất khỏi Bắc Mỹ một lần nữa. “Không có dấu hiệu nào cho thấy loại virus này đang bị ngăn chặn hoặc kìm hãm", cô nói.

Nguồn: