Năm 2018, số lượng công bố quốc tế toàn cầu đạt kỷ lục mới, trong đó các nền kinh tế mới nổi có sức tăng trưởng nhanh nhất về công bố.

Theo ước tính của Clarivate Analytics - công ty hàng đầu thế giới về dữ liệu khoa học, các nền kinh tế mới nổi đã có bước tăng trưởng cao nhất về xuất bản công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế. Ai Cập và Pakistan dẫn đầu danh sách với mức 21% và 15,9%.

Xuất bản công bố của Trung Quốc tăng lên 15%, Ấn Độ, Brazil, Mexico và Iran cũng cho thấy sự thăng tiến về số lượng với hơn 8% so với năm 2017.

Trên phương diện toàn cầu, các công trình nghiên cứu tăng 5% với tổng số 1.620.731 công trình có trong cơ sở dữ liệu khoa học của Web of Science.

Caroline Wagner - nhà nghiên cứu chính sách KH&CN tại trường đại học Ohio và cựu cố vấn của chính phủ Mỹ, nhận xét: chính sự đa dạng của các quốc gia trong việc đóng góp vào dữ liệu khoa học chung của thế giới đã góp phần lan tỏa thành công này. “Nếu vào năm 1980, 5 quốc gia chiếm tới 90% công bố khoa học toàn thế giới – Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản thì hiện nay, 20 quốc gia nằm trong nhóm có nhiều công bố nhất thế giới”.

Clarivate đã thống kê và phân tích dữ liệu theo yêu cầu của Nature, phần phân tích này tập trung vào 40 quốc gia có ít nhất 10.000 công bố trong cơ sở dữ liệu Web of Science, gồm các công trình xuất bản từ tháng 1 đến tháng 8/2018.

Joshua Schnell – một nhà tư vấn của Clarivate ở Rockville, Maryland, cho rằng, các kết quả này được so sánh với kết quả thu được trong vài năm trở lại đây và góp phần nhận biết xu hướng của năm 2019.

Sự tăng trưởng trong xếp hạng

Không rõ điều gì tác động mạnh nhất đến sự tăng trưởng mạnh mẽ về công bố quốc tế của Ai Cập và Pakistan. Một điều có thể thấy là cả hai quốc gia này đều có xuất phát điểm thấp – gần cuối danh sách 40 quốc gia có nhiều công bố nhất, theo nhận xét của Robert Tijssen, người phụ trách bộ phận nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo ở đại học Leiden, Hà Lan.

Những số liệu này cũng có thể là do các thay đổi trong cách cơ sở dữ liệu Web of Science thu thập dữ liệu, như đưa thêm nhiều tạp chí quốc gia hoặc tạp chí cấp vùng vào danh sách tạp chi khoa học của Web of Science. Nhưng một số vùng như châu Phi vẫn còn chưa được thể hiện đúng khả năng của mình, Tijssen nói.

Cả Tijssen và Wagner đều cho rằng, ngân sách đầu tư cho khoa học và các mối hợp tác quốc tế gia tăng đều có tác động thúc đẩy số lượng xuất bản của Ai Cập và Pakistan.

Tại Trung Quốc, sự gia tăng xuất bản khoa học có từ sự tăng trưởng trong chính sách đầu tư cho khoa học và giáo dục đại học của chính phủ, Tijssen cho biết.

Wagner đang chờ đợi vào khả năng Trung Quốc có thể sớm vượt qua Mỹ để trở thành cường quốc có nhiều công bố hàng đầu thế giới – hiện khoảng cách đã được thu hẹp với khoảng 35.000 công bố. Theo một số cách đo đếm thì Trung Quốc đã sẵn sàng vượt qua Mỹ.

Nếu xét theo số lượng trích dẫn thì chất lượng của khoa học Trung Quốc cũng đang tăng lên, nhưng để tiếp tục có được điều đó, đất nước này sẽ cần phải giữ được tính mở với toàn cầu, Wagner nói.Hiện chính sách kiểm duyệt internet của Trung Quốc khiến nhiều nhà khoa học phàn nàn về cơ sở dữ liệu bị khóa và việc tìm kiếm dữ liệu bị giới hạn.

“Khi kết nối với toàn cầu nhiều hơn, bạn cần phải biết những gì đang dẫn đầu các hướng nghiên cứu trong khoa học. Và thật quan trọng khi lọt vào top các quốc gia được nhiều trích dẫn nhất thế giới”.